Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp “cứu” ngành du lịch

Sáng 22-2, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết sắp tới sẽ đưa ra giải pháp hỗ trợ để nhanh chóng phục hồi những thiệt hại do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.
Đà Nẵng khai thác các đường bay mới tại thị trường Lào, Ấn Độ ,...
Đà Nẵng khai thác các đường bay mới tại thị trường Lào, Ấn Độ ,...

Tính đến ngày 14-2, tổng thiệt hại của các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch, vận chuyển trên địa bàn Đà Nẵng ước tính khoảng 685 tỷ đồng.

Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng trong quý I-2020 ước đạt 1.288.518 lượt, giảm 31.2% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 709.814 lượt, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 521.052 lượt, giảm 43,8% so với cùng kỳ 2019. Tổng thu du lịch ước đạt 4.912 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, một trong những nguyên nhân lượng khách đến Đà Nẵng đang giảm dần là do những thông tin trái chiều trên mạng xã hội.

“Hầu như các du khách đều muốn biết tình hình dịch bệnh của Đà Nẵng trước khi có kế hoạch đến tham quan. Họ còn chia sẻ tâm lý lo sợ nếu đến một thành phố có nguy cơ cao về dịch bệnh”, ông Cao Trí Dũng chia sẻ.

Du khách có tâm lý lo ngại khi tham quan Đà Nẵng trong thời điểm dịch Covid-19 
Để hạn chế tối đa những thiệt hại, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã đề xuất miễn, chậm nộp thuế, giảm lệ phí visa, giảm lãi vay, khoanh nợ với nhiều ngân hàng nhà nước, giảm các chi phí điện nước, thuế đất, miễn, giảm chi phí vào các điểm tham quan, khu di tích,...

Trong chương trình liên minh kích cầu du lịch quốc gia, Đà Nẵng là một trong thành phố thuộc nhóm địa phương tiếp theo (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam) tập trung nguồn khách du lịch nội địa và có chương trình kích cầu dài hạn, toàn diện hơn trong giai đoạn tới.

“Chúng tôi sẽ tập trung trọng điểm vào việc khảo sát thị trường, làm sản phẩm mới, chốt các thị trường trọng điểm và tập trung các chương trình xúc tiến để khi có tín hiệu ‘hết’ dịch, ngay lập tức công bố một số chương trình giúp cho du khách quay trở lại”, ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Sở Du lịch TP phối hợp với cơ quan chức năng cung cấp kịp thời những thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Sở Du lịch TP Đà Nẵng thực hiện truyền thông qua kênh báo chí, mạng xã hội để có một hình ảnh điểm đến an toàn, công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, về các chương trình kích cầu, bà Hạnh nhấn mạnh Sở Du lịch mong muốn chương trình không chỉ là giảm giá dịch vụ mà là nơi giới thiệu sản phẩm mới, dịch vụ mới và giảm giá là yếu tố cuối cùng. Chương trình này sẽ thu hút sự tham gia của hãng hàng không, những khu, điểm lớn tại thành phố, công ty lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch. Dự kiến, vào tháng 3, Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện theo mô hình quỹ xã hội do doanh nghiệp tự thành lập để tham gia vào các hoạt động xúc tiến mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng lấy ý kiến khách hàng về thời điểm miễn phí vé tham quan tại các khu điểm Đà Nẵng, vận động điểm du lịch với giá vé du khách và giá vé của người dân tại địa phương là như nhau trong thời điểm nhất định, các khách sạn lớn nếu có chính sách giảm ‘sâu’ thì sẽ có những chương trình tour hiệu quả, chương trình đặc sắc để thu hút du lịch.

“Giai đoạn này, chúng tôi sẽ tập trung kích cầu trên thị trường nội địa bởi thị trường quốc tế vẫn còn nhiều nguy cơ trước dịch bệnh Covid-19”, bà Trương Thị Hồng Hạnh nhìn nhận.

Ngoài ra, Sở Du lịch TP Đà Nẵng nghiên cứu việc xây dựng phát triển kinh tế đêm trên địa bàn với việc chọn một số điểm đến có khả năng khai thác về kinh tế đêm trong thời điểm nhất định. Một số khu vực sẽ được chọn cho việc phát triển lâu dài về kinh tế đêm đảm bảo cho việc phát triển nhưng không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Đồng thời, các hoạt động du lịch được triển khai sớm như thí điểm hoạt động phố đêm 24/7 theo hướng sử dụng mặt bằng của bãi biển tự nhiên để tổ chức; triển khai, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, khu du lịch sinh thái Nam Ô với những đề xuất giải quyết các điểm nghẽn về du lịch.

Đà Nẵng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm trên địa bàn với nhiều cấp độ
Đối với khối lưu trú hiện nay công suất bình quân tháng 2-2020 chỉ đạt 25-30%, giảm 45-50% so với cùng kỳ năm 2019. Theo các khách sạn dự kiến, trong tháng 3-2020 lượng khách hủy phòng sẽ còn giảm mạnh, công suất chỉ đạt 20%-25%. Trong quý 1-2020, lượng khách do các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt 956.624 lượt, giảm 21.5% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 668.506 lượt, giảm 21,9% và khách nội địa ước đạt 288.118 lượt, giảm 20,6%.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn TP Đà Nẵng cho rằng, với mỗi chuyến tham quan, du khách rất quan tâm các vấn đề về sức khỏe của bản thân và công tác phòng chống dịch tại điểm đến. Vì vậy, việc cung cấp thông tin đến du khách về tính ổn định, an toàn về y tế của thành phố nói chung và của các khách sạn nói riêng luôn phải được cập nhật thường xuyên.

Về vấn đề kích cầu, Hội Khách sạn lên kế hoạch đưa ra những gói kích cầu dành cho du khách đã từng ở khách sạn. Trong thời điểm khó khăn, một số khách sạn tự cứu chính mình bằng cách giảm bớt những chi phí về nhân sự, giảm bớt những khoảng nợ về ngày nghỉ cho nhân viên, đóng cửa bởi khách sạn tốn khá nhiều chi phí trong thời điểm dịch bệnh và dịch không thể kết thúc trong vài tháng.

Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Du lịch TP Đà Nẵng cho hay, hướng dẫn viên là một đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, phần lớn các hướng dẫn viên của thị trường Trung Quốc đều thất nghiệp, chỉ có thị trường khách Đài Loan, Malaysia vẫn còn duy trì nhưng tỉ lệ chiếm khá ít và đang giảm dần.

Tin cùng chuyên mục