Đà Nẵng ký kết với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán triển khai chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025

Chiều 19-4, tại Hội thảo “Xu hướng ứng dụng công nghệ Blockchain cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp”, Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT) TP Đà Nẵng và Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị về “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025” nhằm túc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.

Sở TT-TT TP Đà Nẵng và Viện Nghiên cứu cấp cấp về Toán ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025”
Sở TT-TT TP Đà Nẵng và Viện Nghiên cứu cấp cấp về Toán ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về “Chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025”

Theo thoả thuận, hai bên sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, hỗ trợ triển khai chuyển đổi số và chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học 2021-2030 tại TP Đà Nẵng. Các bên sẽ chia sẻ các mô hình ứng dụng toán học phục vụ chuyển đổi số, hỗ trợ giải quyết các bài toán mới trong quá trình chuyển đổi số tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng công nghệ số cho các cơ quan, doanh nghiệp của TP Đà Nẵng và chia sẻ những bài học thành công, thất bại trong chuyển đổi số tại một số địa phương trong ngoài nước.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ phối hợp và hỗ trợ trong việc tập huấn, hướng dẫn, hội thảo về chuyển đổi số. Đặc biệt là tập huấn kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ công chức viên chức TP Đà Nẵng, phối hợp và hỗ trợ trong việc xác định vấn đề và giải pháp xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của TP Đà Nẵng...

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “chìa khóa chính” để chủ động tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ tư theo chủ trương của Bộ Chính trị. Đây là bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo của các cấp; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền… 

Theo Tiến sĩ Thanh, cần có thêm nhiều hội thảo để Blockchain không chỉ dừng lại ở “đồng tiền kỹ thuật số”, mà sẽ có nhiều đề xuất hơn việc ứng dụng trong các chính quyền số, xã hội số để xây dựng nền kinh tế số phát triển và thành công.
Tiến sĩ Đức (David) Trần, Giáo sư ngành Khoa học Máy tính Đại học Massachusetts (Boston, Mỹ) đề cập công nghệ Blockchain tại Đà Nẵng

Trình bày về xu hướng phát triển của Blockchain, Tiến sĩ Đức (David) Trần, Giáo sư ngành Khoa học Máy tính Đại học Massachusetts (Boston, Mỹ) cho hay, các lĩnh vực có thể ứng dụng Blockchain gồm: dịch vụ ngân hàng, sản xuất công nghiệp, năng lượng, điện, nước; y tế; bán lẻ và tiêu dùng; truyền thông, giải trí… Đặc biệt, Blockchain có thể áp dụng cho nhà nước và doanh nghiệp phục vụ các lĩnh vực công. Dự kiến vào năm 2030, Blockchain sẽ tạo ra 40 triệu việc làm, 10%-20% cơ sở hạ tầng kinh tế toàn cầu sẽ chạy theo các hệ thống công nghệ Blockchain.

Theo Tiến sĩ Đức Trần, Đà Nẵng có thể ứng dụng Blockchain từ những bước đơn giản như xác thực ID điện tử, giải quyết hồ sơ đất đai, hồ sơ doanh nghiệp… Trong tương lai, Blockchain có thể là cách để Đà Nẵng thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, tạo ra nhiều việc làm, đem lại nhiều tiện ích cho người dân.

Blockchain là một công nghệ tính toán giúp lưu trữ và giao dịch với thông tin một cách an toàn (không sợ mất hay bị sửa đổi), minh bạch (dễ dàng xác minh, truy xuất), tin cậy tuyệt đối 100% (người dùng yên tâm giao dịch, không cần một trung gian thứ ba đứng ra đảm bảo).

Tin cùng chuyên mục