Đà Nẵng sẽ mở lại chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa với thực phẩm thiết yếu

Sáng 26-8, Sở Công Thương Đà Nẵng vừa ban hành phương án cung ứng hàng hóa trong thời gian kéo dài giãn cách (từ ngày 26-8 đến 5-9). 

Thu thập đơn hàng của người dân
Thu thập đơn hàng của người dân

Theo đó, về phương án cung ứng trong 10 ngày tới, TP Đà Nẵng hỗ trợ 50.000 suất hàng hóa thiết yếu (gạo, mì tôm, thịt hộp, cá hộp, cá khô, trứng gà) cho 50.000 hộ đặc biệt khó khăn, tương ứng 16,6% tổng số hộ dân. Hỗ trợ 1.000 tấn rau, củ, quả cho toàn bộ người dân trên địa bàn và tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ một số mặt hàng thiết yếu.

Các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối hoạt động tối đa 100% công suất. Lực lượng shipper công nghệ hợp đồng với các đơn vị cung ứng tham gia vào việc giao nhận hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân.

Căn cứ vào tình hình thực tế và điều kiện dịch tễ, các quận huyện quyết định việc mở lại các cửa hàng tạp hóa nhưng phải bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và chủ động quyết định mở lại các chợ truyền thống trên nguyên tắc bảo đảm tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch.

Trong đó, đảm bảo giãn cách giữa các quầy hàng tối thiểu theo quy định, bố trí lối ra vào khác nhau, tăng cường rào chắn, chống xâm nhập vào chợ ở những vị trí còn lại; tiểu thương, nhân viên ba quản lý, người lao động tại các chợ phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và xét nghiệm định SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần.

Theo kế hoạch, trong điều kiện dịch tễ cho phép, ngày 27-8, Sở Công Thương sẽ mở lại chợ Hàn (quận Hải Châu) với 20 tiểu thương và chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà) với 40 tiểu thương. Mỗi tổ dân phố được đi chợ trong 1 giờ đồng hồ tương ứng 4 khung giờ trong ngày gồm 5 thành viên. UBND các phường có công văn gửi đến các đơn vị tổ dân phố để phổ biến thông tin và kịp thời thu thập đơn hàng, bổ sung lực lượng ban điều hành để triển khai có hiệu quả.  

UBND các quận, huyện tăng cường bổ sung thêm lực lượng cho ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố (huy động thêm đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, tình nguyện viên, tổ dân phố…) để bảo đảm tổng hợp đơn hàng và giao hàng kịp thời cho người dân. Việc mua hàng được thực hiện thông qua ban điều hành khu dân cư tối đa 5 ngày/lần; tổ chức các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên địa bàn để cung ứng một phần nào nhu cầu tiêu dùng.

Sở Công thương đề nghị TP Đà Nẵng cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi được sử dụng 100% nhân lực và không áp dụng 3 tại chỗ. Ưu tiên cấp thẻ nhận diện và chỉ đạo các chốt kiểm soát tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người phục vụ cung ứng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn được thuận lợi trong việc lưu thông. Đặc biệt, Sở GTVT TP Đà Nẵng làm việc với Sở GTVT tỉnh Quảng Nam để tạo điều kiện cho việc lưu thông của các phương tiện vận tải 2 địa phương được nhanh chóng, thuận lợi.

Cùng ngày, Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, hiện TP Đà Nẵng đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị đã tiếp nhận thông tin một số đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua việc mua, bán hàng online bằng các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.

Để kịp thời ngăn chặn, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đề nghị UBND các quận huyện phối hợp thông tin, tuyên truyền đến người dân chỉ đặt hàng qua các kênh hotline/Zalo/Facebook của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa qua shipper công nghệ; không mua bán hàng hóa thông qua các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội.

Đồng thời, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa trên địa bàn quản lý chặt chẽ và yêu cầu đội ngũ nhân viên giao nhận hàng hóa của đơn vị mình phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Công Thương cũng đề nghị Sở TT-TT TP Đà Nẵng phối hợp với các quận, huyện kiểm tra và xử lý thông tin về các trường hợp lừa đảo.

Tin cùng chuyên mục