Đà Nẵng: Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Sáng 2-11, tại trường Đại học Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Hàn, Bộ Thông tin - truyền thông và Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Triển lãm giúp sinh viên có thể nắm bắt, khắc sâu những thông tin, bằng chứng về chủ quyền biển đảo
Triển lãm giúp sinh viên có thể nắm bắt, khắc sâu những thông tin, bằng chứng về chủ quyền biển đảo

Theo đó, triển lãm trưng bày các tư liệu, văn bản, ấn phẩm và bản đồ được tập hợp từ các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế nhằm cung cấp các thông tin, bằng chứng lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; cũng như giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến thực hơn với đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Đà Nẵng.

Thông qua các tư liệu, văn bản, bản đồ, hình ảnh, hiện vật khẳng định lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Sinh viên hào hứng với những trải nghiệm tham quan tư liệu qua hệ thống công nghệ số 3D

Theo bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin -Truyền thông, biển, đảo là một phần “máu thịt” thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, biển đóng vai trong quan trong trong sự phát triển về kinh tế cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Việc giới thiệu, phổ biến các tư liệu, bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực của công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo đưa thông tin trực tiếp, đầy đủ, chính xác đến các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường học, góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của thế hệ trẻ đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hiện nay.

Triển lãm tập trung vào 6 nhóm tư liệu chính. Cụ thể như: bộ tranh vẽ “Lược sử Việt Nam”; nhóm các tư liệu thành văn của các triều đại phong kiến Việt Nam; nhóm các bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhóm các tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kỳ Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hoà; nhóm một số các tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời gian qua; nhóm khu vực trình chiếu triển lãm số 3D, trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trên máy tính bảng.

Chương trình giao lưu giữa các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng Cục chính trị, QĐNDVN về vấn đề Biển Đông 
Ngoài ra, triển lãm còn có chương trình giao lưu giữa các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường với các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông nhằm giải đáp cũng như cung cấp thêm thông tin liên quan đến biển đảo, đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Tin cùng chuyên mục