Ứng dụng công nghệ giám sát F1 tại nhà
Từ ngày 3-9, Sở TT-TT TP Đà Nẵng sẽ cung cấp cho Sở Y tế bàn giao cho các trung tâm y tế quận, huyện triển khai quản lý giám sát F1 cách ly tại nhà với 280 vòng đeo tay thông minh.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, qua thực tế sử dụng thí điểm, Công ty G-Innovation đã hiệu chỉnh thiết bị vòng đeo tay thông minh và phần mềm quản lý, tăng độ chính xác và thuận tiện trong quá trình sử dụng. Sở TT-TT đề nghị các trung tâm y tế trước khi bàn giao vòng đeo tay thông minh cho người cách ly cần kiểm tra, đảm bảo thiết bị đã được sạc đầy pin và được khởi động. Khi sử dụng xong cần thu hồi, khử khuẩn, bàn giao lại cho Sở TT-TT, Sở Y tế để kiểm tra và cung cấp sử dụng cho người cách ly tiếp theo.
Để hỗ trợ quản lý các trường hợp F1, Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết thêm, sở cũng đã bổ sung thêm chức năng cho app Danang Smart City. Vì vậy, các địa phương có thể kiểm tra khai báo y tế đúng tần suất và thời gian quy định; thông tin thường xuyên về vị trí người cách ly (5 phút/lần qua tọa độ GPS của điện thoại cài app Danang Smart City); kiểm tra đột xuất việc cách ly tại phòng riêng bằng cách gửi tin nhắn SMS, Zalo yêu cầu người được cách ly cung cấp ảnh khuôn mặt và tọa độ bằng điện thoại thông minh…
“Điều này giúp tăng độ an toàn khi triển khai cách ly tại nhà, giảm áp lực cho các đơn vị, địa phương, đồng thời giảm nguy cơ lây chéo trong các khu cách ly tập trung. Trước khi được về nhà, những F1 này đã cách ly tập trung 7 ngày nên có những kiến thức, kinh nghiệm cơ bản trong các thao tác cách ly. Đặc biệt, trong gia đình người thực hiện cách ly y tế tại nhà không có người già, hoặc người có bệnh nền cần chăm sóc y tế”, bà Yến nói.
Quét QR code bảo vệ vùng xanh
Tại cửa ngõ thôn Nhơn Thọ 2 (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), anh Lê Viết Thạnh (27 tuổi, bí thư Chi đoàn Nhơn Thọ 2) cho biết, hiện phần mềm khai báo y tế đã cập nhật thêm thông tin chi tiết như tổ dân phố, thôn, xóm,... Trước đây, khai báo y tế bằng cách viết trên giấy tuy nhanh nhưng khu dân cư nhỏ lẻ, các thành viên không thể kiểm tra xuất phát của người đến khi họ sinh sống tại địa bàn. “Trước khi có khai báo y tế điện tử tại tổ dân phố, các thành viên đều ghi chép thời gian, lý do của người dân, người lạ khi đi ra, vào khu dân cư bằng giấy, nhiều khi rời rạc và thất lạc”, anh Thạnh nói.
Từ thực tế xã Hòa Phước, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, sử dụng thiết bị sẽ giảm tải công việc cho lực lượng trực chốt trong ghi thông tin người ra vào thôn cũng như thời gian chờ đợi qua chốt của người dân. Từ phần mềm khai báo y tế tại chốt cửa ngõ TP Đà Nẵng, đơn vị bổ sung thêm nhiều tiện ích, như: giúp địa phương ở cấp thôn, xã tổng hợp tự động về việc ra vào các chốt hằng ngày một cách nhanh chóng, nhất là phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện tễ hoặc đi từ vùng khác trong TP Đà Nẵng có yếu tố dịch tễ dễ dàng truy vết, xét nghiệm, cách ly kịp thời. Dự kiến, các địa phương vùng xanh sẽ thực hiện đồng bộ ngay khi TP Đà Nẵng kết thúc thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” vào ngày 5-9.
“Chỉ cần ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 mới là trở thành "vùng vàng", thậm chí "vùng đỏ" trong thời gian ngắn. Việc giữ vững "vùng xanh" là rất khó, trong đó vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ dân phố và chính người dân trong khu vực đó đều hết sức quan trọng", ông Quảng yêu cầu.