Theo tờ trình về chính sách đặc thù hỗ trợ cho tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, việc xây dựng chính sách hỗ trợ này nhằm động viên, thu hút lực lượng tình nguyện viên tiếp tục hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là trong giai đoạn dịch vẫn còn nguy cơ tiếp tục bùng phát như hiện nay. Dự kiến trong năm 2022, TPHCM có hơn 5.800 tình nguyện viên tham gia, kinh phí từ ngân sách nhà nước là 228 tỷ đồng. Mức chi hỗ trợ tình nguyện viên là 130 ngàn đồng/người/ngày. Thời gian thực hiện kể từ ngày Nghị quyết thông qua đến hết ngày 31-12-2022. |
Chiều 7-4, kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TPHCM khóa X tiếp tục diễn ra với phần thảo luận và thông qua các tờ trình.
Trước đó, các đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM đã thảo luận tại tổ. Trong đó, các ĐB đã thảo luận góp ý nhiều nội dung quan trọng liên quan đến 11 tờ trình của UBND TPHCM. Trong đó, các ĐB quan tâm góp ý việc xây dựng các chính sách hỗ trợ cho tình nguyện viên trong tương lai là cần thiết. Tuy nhiên, theo tờ trình, thời gian thực hiện rất ngắn, mức chi 130.000đ/ngày là quá thấp. ĐB đề nghị, có mức chi và thời gian thực hiện phù hợp.
Ngoài ra, ĐB kiến nghị cần có hướng dẫn thống nhất quy định cụ thể giao cơ quan nào quản lý, tiếp nhận và điều phối đối với lực lượng viên tình nguyện. Nhiều tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch trong các đợt bùng phát dịch trước đây chưa được chăm lo, hỗ trợ. Do đó, ĐB đề nghị nghiên cứu ban hành Nghị quyết riêng để hỗ trợ lực lượng này.
Cụ thể, ĐB Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ cho tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch Covid-19 cho giai đoạn mới là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải quan tâm giải quyết chính sách hỗ trợ cho những người đã tình nguyện tham gia phòng chống dịch trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất vừa qua.
ĐB Nguyễn Thị Kim Dung. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tán thành quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh cho rằng, các tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch Covid-19 vì tấm lòng đồng hành, chia sẻ với thành phố. Trong giai đoạn căng thẳng nhất của dịch Covid-19 vừa qua, lúc đó các tình nguyện viên vào sinh ra tử, tại sao lại không có chính sách hỗ trợ đúng lúc, kịp thời đối với họ? “Bây giờ tự dưng có Nghị quyết hỗ trợ cho những tình nguyện viên áp dụng trong tương lai để làm gì? Cần cân nhắc về việc ban hành chính sách này”, ĐB Nguyễn Thị Kim Dung đề nghị.
ĐB Trần Văn Bảy. Ảnh: VIỆT DŨNG
ĐB Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM băn khoăn về việc ban hành nghị quyết để điều chỉnh việc hỗ trợ tình nguyện viên trong tương lai. Theo ĐB, cần “hồi tố”, có chính sách hỗ trợ đối với các tình nguyện viên đã tham gia phòng chống dịch trong giai đoạn cao điểm trước đây. “Chính sách hỗ trợ là chính sách đặc thù, trong điều kiện đặc thù. ĐB Trần Văn Bảy cũng cho rằng, Nghị quyết có đời sống rất ngắn khi thời gian thực hiện chỉ đến hết ngày 31-12-2022, trong khi dịch Covid-19 còn khó lường. Theo ĐB, không nên đặt ra mốc thời gian như trên để tự trói buộc, mà Nghị quyết cần có hiệu lực lâu dài, để nếu thực tế phát sinh thì có thể căn cứ mà áp dụng.
Trao đổi những nội dung liên quan trên, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, các cơ quan chức năng đang khẩn trương giải quyết tình trạng còn một số tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch Covid-19 nhưng chưa được giải quyết nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM.
ĐB Tăng Chí Thượng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Nghị quyết 12 có nêu rõ các nhóm được hưởng chính sách hỗ trợ. Cụ thể, lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp chống dịch; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp; tổ Covid cộng đồng; lực lượng tình nguyện viên do TPHCM điều động tham gia chống dịch; lực lượng tình nguyện viên do Bộ Y tế điều động.
Tuy nhiên, khi liệt kê cụ thể từng nhóm đối tượng nhận hỗ trợ thì chưa đầy đủ, bao quát hết so với thực tế. Đặc biệt là nhóm tình nguyện viên không chuyên môn như tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, tham gia công việc tiêm chủng, vệ sinh; lực lượng tham gia quản lý, điều hành…
Trao đổi lại với các ĐB, ông Tăng Chí Thượng cho biết đã kiến nghị đối với phần liệt kê chi tiết chưa đầy đủ trong Nghị quyết 12 của HĐND TPHCM. Trong đó, Sở Y tế cùng với các sở ngành, UBND các quận huyện có liên quan căn cứ vào Nghị quyết 12 để rà soát, cập nhật bổ sung danh sách các tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian qua để trình UBND TPHCM xem xét để họ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 12.