
Kết thúc hoạt động của Viện KSND cấp cao và Viện KSND cấp huyện
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện KSND, tờ trình nêu rõ, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND. Hệ thống Viện KSND được tổ chức, sắp xếp lại gồm: Viện KSND tối cao, Viện KSND cấp tỉnh, Viện KSND khu vực, Viện kiểm sát quân sự các cấp. Kết thúc hoạt động của Viện KSND cấp cao và Viện KSND cấp huyện.
Nêu ý kiến về luật này, ĐB Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh), Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, Viện KSND là một trong các cơ quan tiến hành tố tụng, có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, việc thay đổi các nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy của Viện KSND sẽ ảnh hưởng, tác động đến các cơ quan khác như Cơ quan điều tra, Tòa án, Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự...
Chính vì vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện KSND cũng cần phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các dự án luật khác đang trong quá trình trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9 như: dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND và các luật khác có liên quan...
Cần tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp của hoạt động thanh tra
Với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra khẳng định: kết thúc hoạt động của Thanh tra bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện; không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các bộ, các sở và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chuyển sang thực hiện kiểm tra chuyên ngành.
Thảo luận về luật này, đại biểu (ĐB) Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đề nghị bổ sung quy định cấm làm thay đổi, sai lệch kết quả thanh tra, đây cũng là ý kiến của một số ĐB khác. Các ĐB cũng đề nghị bổ sung nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra trong công tác phòng chống lãng phí và tiêu cực.

Về công khai kết luận thanh tra, theo nhiều ĐB, dự thảo quy định phải đăng tải, niêm yết nhưng chưa rõ cụ thể thời gian là bao lâu, do đó đề nghị quy định rõ trong luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết. Đồng thời, cần quy định rõ hơn trong việc sửa đổi, điều chỉnh kết luận thanh tra. Đây cũng là ý kiến của ĐB Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) và một số ĐB khác, cho rằng, cần đăng tải ít nhất trong 15 ngày.
Sau khi thực hiện việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, với việc tăng cường hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, địa phương, thì có thể dẫn đến phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bên cạnh đó cũng có thể chồng chéo với hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Do đó, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) đề nghị phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra. Phải phân rõ trách nhiệm nào là của thanh tra, trách nhiệm nào là của kiểm tra chuyên ngành, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”. Đồng thời, cũng cần tránh việc chồng chéo giữa thanh tra và giám sát.
Đề nghị tăng thẩm quyền cho Tòa án khu vực
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, tờ trình Chính phủ nêu rõ, không tổ chức cấp trung gian (kết thúc hoạt động của 3 TAND cấp cao), không tổ chức TAND cấp huyện mà thay thế bằng mô hình TAND khu vực, tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử gồm 3 cấp: TAND tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp Tòa án, số lượng Thẩm phán TAND tối cao.
Tại các TAND khu vực có các Tòa chuyên trách gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Bổ sung quy định tại một số TAND khu vực có Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
TAND tối cao dự kiến tổ chức 3 Tòa Phá sản tại 3 TAND khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM; tổ chức 2 Tòa Sở hữu trí tuệ tại 2 TAND khu vực ở Hà Nội và TPHCM…

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đều đồng tình ban hành các dự án luật tại 1 kỳ họp để bảo đảm thực hiện tinh gọn bộ máy. Một số ĐB đề nghị tăng thẩm quyền cho Tòa án khu vực vì đó là nơi gần với người dân nhất.
Theo ĐB Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh), Thứ trưởng Bộ Công an, dự án luật này cần bảo đảm tính thống nhất với các dự án luật cũng được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9, bảo đảm không chồng lần về nội dung. Theo ông, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Trong dự thảo luật này có đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đặc xá năm 2018; trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND cũng đề xuất sửa đổi các nội dung của Luật Đặc xá năm 2018.
Do đó, để bảo đảm thống nhất về nội dung sửa Luật Đặc xá, ĐB Trần Quốc Tỏ đề nghị đưa các nội dung sửa đổi Luật Đặc xá năm 2018 trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND sang Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi). Các cơ quan của Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với TAND tối cao để sửa đổi các quy định liên quan đến Tòa án trong Luật Đặc xá năm 2018, bảo đảm không bỏ sót nội dung.