Lấy bằng xong để… đó
Ngọc năm nay 28 tuổi, hiện đang là nhân viên kinh doanh tại một công ty ở quận 5, TPHCM. Làm việc nguyên ngày, Ngọc vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để đi học thêm các lớp buổi tối, lấy thêm một số bằng cấp, chứng chỉ mà theo cô là quan trọng dù chưa biết có cần không. Phải cách cả tháng, Ngọc mới ghé về thăm ba mẹ, bởi hầu hết thời gian đều dành cho việc vừa học vừa làm. Ngọc cho rằng: “Mình luôn nghĩ bằng cấp là quan trọng, dù kinh nghiệm làm việc, cách xử lý công việc cũng là yêu cầu không thể thiếu. Nếu có thời gian thì cứ đi học thôi, có nhiều bằng thì càng tốt, chứ mai mốt có gia đình sao đi học được nữa. Học cho đủ bằng, dư bằng cũng được, mấy chuyện khác tính sau. Nói bằng cấp không quan trọng thì tại sao khi nộp hồ sơ, một số công ty nếu bằng ưu thì được gọi phỏng vấn còn lại thì loại từ vòng hồ sơ?”.
Cùng suy nghĩ phải có nhiều bằng cấp như Ngọc, L.Q.Lâm sau khi tốt nghiệp đại học cũng hì hục bỏ thời gian, tiền bạc, công sức để học thêm 2 năm thạc sĩ, lấy các bằng cấp liên quan. Hiện Lâm đã 30 tuổi, trong tay có bằng thạc sĩ quản lý thể thao, nhưng chưa bao giờ Lâm sử dụng bất cứ một loại bằng cấp nào cho công việc hiện tại mà đều... cất trong tủ. Bạn trẻ này đang điều hành nhóm biểu diễn nghệ thuật tại một trung tâm văn hóa ở TPHCM. Lâm chưa từng nộp đơn xin việc cho bất cứ đơn vị nào, chỉ vì theo bạn, lương ở các trung tâm thể dục thể thao quá thấp, làm việc quá tốn thời gian, ràng buộc. Lâm thẳng thắn: “Sau khi xong đại học, mình có đi tìm hiểu mức lương ngành đã theo học ở một số nơi thì thấy bèo bọt quá. Đang có thời gian, nên mình đăng ký học lên thạc sĩ để có bằng này bằng kia. Dù ngành học không phải đam mê nhưng lỡ đăng ký thì cứ học đại cho rồi”.
Nhiều bạn trẻ đã dành cả tuổi thanh xuân để học: 12 năm học phổ thông, sau đó 3-6 năm cao đẳng - đại học, 2-3 năm học cao học, chưa kể một lô các loại chứng chỉ, chứng nhận từ vi tính, Anh văn, kế toán cho tới cả thư ký văn phòng, các lớp chuyên ngành... Có bạn còn chuyển cả ngành học sau từng ấy năm “đi lạc” giảng đường. Thời gian, tiền bạc đâu ra mà học lắm thế, nhất là khi chỉ học trên những trang sách mà bỏ quên thực tế. “Thanh xuân là học hỏi và trải nghiệm. Tiếc là có những người chỉ vùi đầu vào những lý thuyết khô khan trên trang sách mà không áp dụng và lấy kinh nghiệm từ thực tế”, Nguyệt Hằng, nhân viên truyền thông, đúc kết.
Đừng học vì hư danh
Căn bệnh sính bằng cấp dường như đã trở thành khó chữa. Nhiều bạn cố học cho có bằng cao học, nhưng thực tế không hề sử dụng gì tấm bằng đó. Nguyễn Thị Diệu Hiền (30 tuổi, một du học sinh tại Đức) chia sẻ góc nhìn: “Tôi là du học sinh tại Đức. Tôi hiểu giá trị thực sự của tấm bằng thạc sĩ du học là như thế nào. Tôi không biết để có được bằng thạc sĩ hay các loại bằng ở nước mình thì như thế nào, nhưng theo như tôi thấy từ bạn bè mình, chủ yếu thường học vào buổi tối, rất nhiều môn học chung với đại học, đã từng học qua nay vẫn học lại. Đã có nhiều bạn trẻ đang rất cố gắng trang bị cho mình nhiều bằng cấp… Tôi nghĩ đó là suy nghĩ sai lầm, bởi việc có nhiều bằng cấp mà không bao giờ sử dụng là một sự lãng phí, tốn kém cho bản thân, gia đình”.
Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) từng để tấm bằng Đại học Sư phạm lẫn thạc sĩ sang một bên để chuyển hướng kinh doanh áo quần, nói: “Tôi từng rất coi trọng bằng cấp, cố gắng học lấy học để những mong có một vị trí công việc phù hợp. Cho đến ngày, một người bạn thuở nhỏ của tôi, học hành không bao nhiêu giờ đã trở thành ông chủ của một chuỗi cửa hàng, nói với tôi về cuộc sống hiện tại. Từ góc nhìn một người từng trải, tôi nghĩ các bạn trẻ cần xác định lại lý tưởng sống, mục tiêu cuộc đời, quản lý thời gian của mình một cách khoa học để tập trung vào những việc cần làm, đồng thời tránh mất thời gian và tiền bạc vào việc học để lấy bằng cấp, chứng chỉ quá nhiều, chỉ để khoe mẽ với bạn bè và làm hài lòng gia đình. Bằng cấp là để gõ cửa nhà tuyển dụng, nhưng năng lực của bạn mới là thứ nói cho họ biết bạn là ai. Bằng cấp chỉ có giá trị thật sự khi mà bạn là con người có giá trị thật sự”.
Trên thực tế, rất dễ dàng thấy, để kiếm một tấm bằng khá giỏi bây giờ có rất nhiều cách, minh bạch lẫn không minh bạch. Nhiều bạn trẻ mang tiếng đi học nhưng chỉ lớt phớt rồi sau đó tìm cách có bằng được cái bằng. Tâm lý sính bằng cấp đã là một yếu tố dẫn đến chuyện mua bán bằng cấp trái phép, thậm chí buôn bán công khai trên mạng xã hội... Đến khi có được tấm bằng trong tay, nhiều người không biết làm sao để tìm việc, chưa nói đến việc tốt, lương cao. Bằng cấp vốn không có lỗi, lỗi là ở người trẻ đã nhận thức sai lầm rằng chỉ cần bằng cấp là đủ để vào đời.