Đánh giá tác động lây lan của bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 23-6 (giờ địa phương), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) họp khẩn, đánh giá sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ có phải là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế hay không.
Mẫu thử nghi nhiễm virus đậu mùa khỉ tại một bệnh viện ở Mỹ
Mẫu thử nghi nhiễm virus đậu mùa khỉ tại một bệnh viện ở Mỹ

Mức cảnh báo cao nhất 

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được xem như mức độ cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra. WHO từng có quyết định tương tự đối với dịch Covid-19 và bệnh bại liệt. Xếp một căn bệnh là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế sẽ khuyến khích các quốc gia hợp tác tìm biện pháp đối phó, đồng thời cho phép cơ quan này đề xuất các bước kiểm soát dịch. Các nước có nguồn lực tốt có thể cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho những quốc gia kém hơn. 

Trước đó, ngày 19-6, WHO đã bỏ sự phân biệt giữa các nước coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu và không phải bệnh đặc hữu trong dữ liệu về bệnh, nhằm thống nhất phản ứng tốt hơn với loại virus này. Kể từ khi Anh ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên (ngày 7-5), đến nay có hơn 2.100 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại hơn 40 quốc gia thuộc các khu vực châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương. Theo WHO, số ca mắc trên thực tế có thể cao hơn. Anh hiện có 524 ca bệnh, là nước ghi nhận nhiều ca đậu mùa khỉ nhất. 

Chủng virus đậu mùa khỉ đang lây lan bên ngoài châu Phi là loại ít độc lực hơn chủng ở Trung Phi và chưa gây tử vong. Các triệu chứng ban đầu của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt cao, sưng hạch bạch huyết và phát ban giống bệnh thủy đậu. Virus thường biến mất sau 2 hoặc 3 tuần. WHO cảnh báo, khả năng bệnh đậu mùa khỉ lây lan hơn nữa trong những tháng mùa hè, thời điểm diễn ra nhiều hoạt động đi lại, lễ hội hay tiệc tùng. WHO khuyến nghị người dân cảnh giác và báo với cơ quan y tế khi phát hiện các vết phát ban hoặc tổn thương giống các triệu chứng của đậu mùa khỉ trên cơ thể.

Tìm cách ứng phó

Đông Á là khu vực có các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở châu Á. Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo ngày 22-6 đã chỉ thị cho các cơ quan y tế tiến hành các cuộc điều tra dịch tễ học nhanh chóng và kỹ lưỡng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, các cuộc điều tra dịch tễ học, bao gồm lịch sử di chuyển của bệnh nhân, đường tiếp xúc và những người đã tiếp xúc với bệnh nhân, phải được tiến hành nhanh chóng và kỹ lưỡng. Hàn Quốc đã ghi nhận 2 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Hồi đầu tháng, Hàn Quốc xếp đậu mùa khỉ là bệnh dịch truyền nhiễm cấp độ 2 trong hệ thống gồm 4 cấp. Dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19, dịch tả và đậu mùa khỉ nằm trong cùng một cấp.

Ở Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore xác nhận, chiều 21-6 có một ca bệnh đậu mùa khỉ nhập cảnh. Còn Bộ Y tế Thái Lan cảnh báo sẽ rất khó để kiểm soát sự lây lan nếu để dịch bệnh bùng phát, khi ngày càng đông du khách đổ về Thái Lan sắp tới đây. Giới chức Thái Lan ước tính, ít nhất 500.000 khách du lịch sẽ đến nước này trong mỗi tháng, kể từ nay đến tháng 9.

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ có cùng chủng virus gây bệnh đậu mùa. Do vậy, vaccine phòng bệnh đậu mùa được cho là hiệu quả tới 85% trong phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Những nước phát triển đã bắt đầu sử dụng vaccine ngừa đậu mùa để tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ và hiện đang xem xét sử dụng thuốc kháng virus để phòng chống căn bệnh này. Trong những tuần gần đây, ngành dược sinh học đã cam kết cung cấp vaccine và thuốc điều trị cũng như phát triển thêm các phương pháp chẩn đoán để ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ.

Tin cùng chuyên mục