Trước buổi công chiếu chính thức bộ phim điện ảnh Người trở về tại TPHCM, nữ đạo diễn thế hệ 8X Đặng Thái Huyền (ảnh) đã có cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên Báo SGGP.
PV: Vì sao chị quyết định theo nghề đạo diễn - vốn khắc nghiệt và nhiều thử thách?
Đạo diễn ĐẶNG THÁI HUYỀN: Theo đuổi công việc này là cơ duyên, tuy nhiên để theo đuổi tới cùng thì cần có đam mê và nhiệt huyết. Tôi tìm thấy niềm vui trong sự vất vả của phim trường, thấy hình bóng của mình và những người xung quanh trong các nhân vật mà tôi xây dựng. Có lẽ đó là một trong những yếu tố cơ bản để tôi không thể dứt bỏ dù sau những ngày tháng lăn lộn trên phim trường, tôi thường sa sút sức khỏe rất nhiều. Có lẽ không có công việc nào tàn phá dung nhan và tốn năng lượng nhiều như công việc đạo diễn phim.
Điều gì để chị quyết định chọn thực hiện bộ phim Người trở về - một phim về đề tài chiến tranh, đề tài mà chị không có trải nghiệm?
Tôi là đạo diễn thuộc Điện ảnh Quân đội. Người trở về là một trong những dự án phim quan trọng của hãng trong khoảng một năm trở lại đây. Và may mắn, tôi đã được giao là đạo diễn chính của bộ phim này dù có rất nhiều đạo diễn tiền bối trong hãng. Tôi gần như không bị bỡ ngỡ hay mất quá nhiều thời gian trong việc tiếp cận kịch bản và triển khai công tác làm phim. Nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo hãng quá mạo hiểm khi giao bộ phim chiến tranh quay trên chất liệu nhựa 35mm cho một đạo diễn chưa làm phim nhựa bao giờ và sinh ra sau chiến tranh. Nhưng tôi nghĩ, lãnh đạo hãng phim có những hoạch định riêng, đó là đã tới lúc cần giao trọng trách làm phim lịch sử, phim cách mạng cho thế hệ trẻ. Bởi mỗi thế hệ sẽ có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Điều đó sẽ tạo thành luồng gió mới, màu sắc mới cho dòng phim vốn bị đánh giá là khô khan, kén người xem.
Trong quá trình thực hiện bộ phim, điều gì khiến chị ấn tượng, lo lắng và mất nhiều thời gian nhất?
Thời gian quay chỉ gần ba tháng nhưng thời gian chuẩn bị như chọn bối cảnh, vẽ phác thảo bối cảnh, dựng cảnh, may đo phục trang, chuẩn bị khí tài… diễn ra âm thầm cả năm trời. Trong cả năm đó, tôi, quay phim, họa sĩ gần như chỉ bàn bạc, tính toán để có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho bộ phim khi bắt đầu quay. Điều tôi lo lắng, mất nhiều thời gian nhất đó là những cảnh quay chiến tranh. Việc đào hầm, chiến hào, dựng bối cảnh, chuẩn bị khí tài cho cảnh cháy nổ… dù tôi đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng vẫn thấy bàng hoàng khi chính thức bắt tay vào việc. Một núi công việc và rất khó khăn với kinh nghiệm và vốn sống của người sinh ra sau cuộc chiến. Rất may khi tôi có được những cố vấn quân sự, cố vấn nghệ thuật như NSND - đạo diễn Khắc Lợi, NSƯT - nhà quay phim Lý Thái Dũng và sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần của lãnh đạo hãng phim để tôi từng bước tháo gỡ những khó khăn, lúng túng bước đầu bắt nhịp với công việc và có được bộ phim Người trở về.
Người trở về là bộ phim nhựa 35mm cuối cùng của điện ảnh Việt, điều ấy có ý nghĩa thế nào với chị?
Có khả năng đây sẽ là bộ phim truyện nhựa 35mm cuối cùng nếu không muốn nói là chắc chắn, bởi Điện ảnh Quân đội đã nhập về rất nhiều thiết bị quay và hậu kỳ kỹ thuật số chất lượng cao, hiện đại. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng được làm phim truyện nhựa là cơ hội và sự trải nghiệm tuyệt vời mà tôi cũng như ê kíp trẻ của Điện ảnh Quân đội được trải qua. Phim nhựa là một thánh đường mà ở đó, các kỹ năng cơ bản của nghề đạo diễn, quay phim được phát huy tối đa; đồng thời trên nền cơ bản đó, chúng tôi có được những khuôn hình với chiều sâu và sự rung động tuyệt vời mà chỉ có người làm nghề mới hoàn toàn cảm nhận được. Rất khó diễn tả bằng ngôn ngữ, chỉ có thể nói tôi thấy mình là người may mắn. Vì có thể thế hệ đàn em tôi sẽ không có cơ hội tiếp xúc với phim nhựa. Những thông tin trên báo chí và dư luận thời gian qua tôi nghĩ đã đủ nói lên tất cả.
Gặt hái nhiều giải thưởng ở thể loại phim tài liệu và phim truyện truyền hình, đó có là áp lực khi chị bắt tay thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tiên của mình?
Tôi cho rằng, nếu có áp lực thì hãy để nó diễn ra trước đó. Còn khi đã bắt tay vào làm phim thì không nên để bất kỳ áp lực nào đè nặng và chi phối mình. Hãy coi mỗi bộ phim giống như một cuộc chơi nghề mà ở đó tôi cùng các đồng nghiệp của mình được sát cánh, được thỏa sức vùng vẫy trong thế giới hình ảnh và đời sống của các nhân vật. Tôi cũng chưa bao giờ quan niệm phim truyền hình hay phim điện ảnh. Phim nào tôi cũng làm bằng tất cả tâm huyết và sự tôn trọng với tác phẩm.
Là người của Điện ảnh Quân đội, chị có tin mình có thể làm những bộ phim điện ảnh giải trí thu hút được người xem và bảo đảm doanh thu?
Tôi là một người trẻ và luôn khao khát được vùng vẫy trong nhiều mảng đề tài khác nhau. Sắp tới, tôi sẽ hợp tác với Style TV để bắt tay vào dự án phim chiếu rạp về thể loại tâm lý kinh dị. Khi đọc kịch bản, tôi đã bị thuyết phục ngay từ những dòng đầu tiên. Tôi tin đây sẽ là một trong những bộ phim có doanh thu phòng vé cao của mùa hè tới. Tại sao không? Hãy bắt đầu bất kỳ tác phẩm nào với một kịch bản làm mình choáng váng và tâm thế tự tin, điều đó đã quyết định 50% thành công.
| |
NHƯ HOA (thực hiện)