Đau đầu với rác chôn lấp

Theo mục tiêu đề ra, đến hết năm 2017 Đồng Nai phấn đấu đưa tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống còn dưới 15%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi mốc thời gian trên đã qua gần 3 tháng nhưng lượng rác chôn lấp vẫn chiếm khối lượng rất lớn, làm đau đầu các cơ quan chức năng.
Cùng với sự gia tăng dân số mạnh mẽ ở các khu đô thị, sự hình thành phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đã làm gia tăng nhanh chóng lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn về cả số lượng và thành phần phức tạp. Điều này đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý. Nghị quyết 06/NQ-TU của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu, trong năm 2017 tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt (rác trơ) dưới 15%. Thế nhưng theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2017, mỗi ngày trong tổng số khối lượng rác thải sinh hoạt thu gom là khoảng 1.200 tấn, tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại các khu xử lý chiếm đến 63%. Cụ thể, trong 9 khu xử lý, với tổng diện tích quy hoạch 438,6ha được phê duyệt, chỉ có 5 dự án có tỷ lệ chôn lấp  dưới 15%, còn lại có 7 dự án có tỷ lệ chôn lấp trên 15%, trong đó 5 dự án thực hiện chôn lấp 100%, 1 dự án thực hiện chốn lấp 37%, 1 dự án thực hiện chôn lấp 80%.

Trước thực trạng trên, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với các sở ngành liên quan để tìm phương án xử lý nhằm giảm tỷ lệ chôn lấp rác tại các khu xử lý. Tại buổi họp, Sở TN-MT cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phần lớn lượng rác thải sinh hoạt vẫn xử lý bằng cách chôn lấp là do tiến độ xây dựng cũng như lắp đặt các lò đốt rác tại các khu xử lý rác diễn ra rất chậm. Cụ thể, trong 9 khu xử lý chất thải đã được phê duyệt thì mới chỉ có 3 khu xử lý bằng phương pháp đốt và sản xuất phân compost với số lượng khoảng 370 tấn/ngày. Đối với 6 khu xử lý còn lại, các chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình lắp đặt hạng mục lò đốt rác. 

Một nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chưa “mặn mà” xây dựng các lò đốt để xử lý rác chính là sự thiếu hợp lý về đơn giá. Theo các chủ đầu tư, việc đốt hay xử lý rác thải sinh hoạt thành phân vi sinh rất khó thực hiện, tốn nhiều chi phí, song do tỉnh đưa ra đơn giá quá thấp nên doanh nghiệp không muốn thực hiện. Vì thế, đa phần rác thải sinh hoạt ở Đồng Nai vẫn được chôn lấp. Hiện đơn giá xử lý 1 tấn rác theo phương pháp chôn lấp khoảng 500.000 đồng, còn đơn giá xử lý 1 tấn rác theo phương pháp đốt là 420.000 - 490.000 đồng, trong khi chi phí để đầu tư một lò đốt là khá lớn.

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các lò đốt rác; yêu cầu các sở, ngành tích cực phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư khu xử lý rác giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục về xây dựng. Tỉnh Đồng Nai đang giao Sở Tài chính tỉnh phối hợp với các chủ đầu tư rà soát, tính toán lại đơn giá xử lý rác theo phương pháp đốt, phấn đấu đến cuối tháng 6-2018 sẽ đưa các lò đốt rác sinh hoạt vào vận hành, qua đó giảm tỷ lệ rác chôn lấp.

Tin cùng chuyên mục