Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước

Sở Công thương TPHCM vừa công bố tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 502.554,7 tỷ đồng, tăng 11,7% so cùng kỳ năm 2017. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và cung ứng trong nước đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại.
Saigon Co.op khai trương chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Cheers nhằm giúp bạn trẻ tiếp cận gần hơn với hàng Việt
Saigon Co.op khai trương chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Cheers nhằm giúp bạn trẻ tiếp cận gần hơn với hàng Việt
Tăng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng Việt

Tính đến nay, thành phố đã phát triển được 239 chợ, 209 siêu thị, 42 trung tâm thương mại và 1.609 cửa hàng tiện lợi với các sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng. Các chương trình khuyến mại hấp dẫn diễn ra xuyên suốt các đợt nghỉ lễ trong 6 tháng đầu năm tại các siêu thị đã góp phần tăng sức mua của người tiêu dùng.

Trước đó, năm 2017 được xem là năm đánh dấu sự bứt phá của nền kinh tế cả nước với tốc độ tăng GDP đạt 6,81% - mức tăng trưởng kỷ lục trong vòng một thập kỷ qua. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3.53%, thấp hơn mức trần 4%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa của cả nước ước đạt 10,9% so với cùng kỳ, với tỷ trọng doanh thu của loại hình bán lẻ hiện đại trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại khu vực TPHCM tăng lên mức 32%. Thực tế trên đã cho thấy, thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng ổn định và tăng sức thu hút với các nhà bán lẻ nước ngoài, tạo những tác động lớn đến hoạt động kinh doanh và sự phát triển chung của cả nước và thành phố.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op cho biết, mới đây, Saigon Co.op đã liên doanh với NTUC Fair Price (Singapore) chính thức đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng tiện lợi 24h với thương hiệu Cheers. Theo đó, Cheers là cửa hàng tiện lợi phục vụ 24 giờ các loại nhu yếu phẩm đồ dùng cá nhân, thức ăn nhanh như sandwich, sushi, cơm phần, mì, salad và trái cây tươi, đồ tráng miệng, nước giải khát, các loại bánh, kẹo trong nước và nhập khẩu nước ngoài, đáp ứng tốt nhu cầu cho nhóm khách hàng ở tuổi từ học sinh, sinh viên đến người đi làm, và đặc biệt là những khách hàng có lối sống năng động, bận rộn tại các thành phố trung tâm. Cheers cũng hướng đến những khách hàng trẻ luôn muốn tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi theo xu hướng thân thiện và hiện đại. Do đó, Cheers sẽ luôn tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Cửa hàng tiện lợi Cheers của NTUC Fair Price là thương hiệu có hơn 120 cửa hàng trên khắp đất nước Singapore. Liên doanh Việt Nam - Singapore có kế hoạch phát triển 50 cửa hàng tiện lợi Cheers trong năm 2018 tại Việt Nam.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước ảnh 1 Khách hàng đến tham gia mua sắm tại cửa hàng Cheers
Giữ ổn định giá cho nguồn hàng thiết yếu Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, cùng với gia tăng nhanh thị trường bán lẻ trong nước thì giá cả hàng hóa của sản phẩm trên thị trường cũng được đảm bảo tương đối ổn định, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá. Riêng một số mặt hàng như thịt heo có những biến động giá nhất định. Giá thị trường nguyên liệu (heo hơi) bắt đầu biến động lên mức 40.000 - 45.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu do sau hơn 1 năm duy trì giá thấp, nhiều người chăn nuôi đã chủ động giảm đàn, tác động đến nguồn cung. Trước tình hình đó, giá thịt heo bình ổn thị trường được điều chỉnh hợp lý, đúng thời điểm; tác động thị trường thịt heo diễn biến tương đối ổn định, khách quan, phản ánh đúng quy luật thị trường. Đại diện Sở Công thương nhấn mạnh, để kích cầu tiêu dùng tại thị trường nội địa trong thời gian tới, thành phố đã triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Theo đó, tập trung thực hiện kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, các mặt hàng sữa năm 2018 - Tết Kỷ Hợi năm 2019. Chương trình bình ổn trên sẽ gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa trong chương trình phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Lượng hàng hóa có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố trong trường hợp có xảy ra biến động hàng hóa và phải được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng, nhất là người dân tại các huyện ngoại thành, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp,… Chương trình có 90 đơn vị tham gia, gồm 78 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và 12 tổ chức tín dụng (tăng 3 đơn vị so năm 2017). Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn phong phú, đa dạng, sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng chiếm khoảng 25% - 40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân 15% - 35% so với kết quả thực hiện năm 2017. Nguồn vốn thực hiện chương trình bình ổn năm 2018 theo phương thức sử dụng vốn vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình với hạn mức, mức lãi suất hợp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng thị trường. Tổng nguồn vốn đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp vay thực hiện 4 chương trình bình ổn là 19.650 tỷ đồng, tăng 8,14% (1.480 tỷ đồng) so với năm 2017, lãi suất tương đương năm 2017 (ngắn hạn 5,5% - 7%/năm, trung và dài hạn 9% - 10%/năm). Điều đáng nói, năm nay giá bán hàng bình ổn do các doanh nghiệp tự xây dựng và kê khai giá bán tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố cấu thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm kê khai giá, ít nhất từ 5% - 15%. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động từ 5% - 10% so với thời điểm đơn vị kê khai giá bán liền trước, doanh nghiệp sẽ kê khai lại giá bán để được điều chỉnh. Trường hợp thị trường giảm giá chưa đến 5%, doanh nghiệp chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi phù hợp với tình hình thực tế. Không dừng lại đó, thành phố tiếp tục thúc đẩy xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín cho các chương trình nói chung và doanh nghiệp, sản phẩm bình ổn thị trường nói riêng, thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường trên cả nước. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường, trọng tâm là các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, xây dựng cơ sở sản xuất, nuôi trồng theo hướng hiện đại, năng suất cao; tiếp tục thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu đối với sản phẩm đạt chuẩn an toàn. Thúc đẩy phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường, kinh doanh 100% hàng Việt Nam và là điểm bán thực phẩm an toàn được sản xuất, nuôi trồng theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, HACCP,… phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đưa logo của chương trình vào các mặt hàng bình ổn nhằm nâng cao khả năng nhận diện cho người tiêu dùng trong quá trình mua sắm. Qua đó, góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả và ý nghĩa của chương trình.

Tin cùng chuyên mục