Tăng gần gấp đôi mục tiêu cắt giảm khí thải
Theo CNBC, Tổng thống Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến này. Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để Mỹ tham gia lại các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sau khi chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris và bãi bỏ các quy định về bảo vệ môi trường. Mỹ là quốc gia thải khí carbon lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Một trong những hành động được mong đợi từ Nhà Trắng là mục tiêu giảm khí thải mới theo Hiệp định Paris.
Tổng thống Biden dự kiến sẽ công bố mục tiêu tham vọng hơn của Mỹ, theo đó đến năm 2030 sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải so với các mức của năm 2005, tương đương 47% so với các mức của năm 2010. Trước đó, chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải 26%-28% vào năm 2025 so với năm 2005.
Các nhóm bảo vệ môi trường đã thúc giục Tổng thống Mỹ đề ra mục tiêu này, tăng gần gấp đôi so với cam kết trước đó nhằm giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống không quá 1,5oC so với mức tiền công nghiệp. Hồi tháng 3, Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ cho biết mục tiêu cắt giảm 50% khí thải vào năm 2030 sẽ “giúp kéo nước Mỹ ra khỏi cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19, tạo thêm mỗi năm hàng triệu việc làm cho người Mỹ, nâng cao tuổi thọ và thúc đẩy toàn cầu cắt giảm khí thải”. Hơn 300 giám đốc điều hành các công ty Mỹ đã thúc giục Tổng thống Joe Biden nâng mức cắt giảm khí thải lên 50% vào năm 2030.
Thời khắc quyết định
Hội nghị nói trên diễn ra trước Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại Glasgow, Scotland (Anh). Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres coi hội nghị khí hậu tuần này là thời khắc quyết định để “thúc đẩy hay bỏ lỡ” các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Nhà Trắng đang đẩy nhanh tiến trình hợp tác với các nước có lượng khí thải lớn để cùng cắt giảm. Theo Reuters, Mỹ và Trung Quốc, 2 quốc gia có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới, hồi đầu tuần đã đồng ý hợp tác chống biến đổi khí hậu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 21-4 cho biết nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng vào ngày 22-4 tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Mỹ khởi xướng. Trước đó, ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ, và người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua ra tuyên bố chung “cam kết hợp tác với nhau và với các nước khác để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu một cách khẩn cấp”.
Ông John Kerry nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng”. Theo ông, ngôn ngữ rất mạnh mẽ này cho thấy cả 2 nước đã nhất trí về tầm quan quan trọng của cắt giảm khí thải. Năm 2020, Trung Quốc đã công bố cam kết cắt giảm khí thải cao nhất vào năm 2030 và tiến đến mức khí thải carbon bằng 0 vào năm 2060.
Cũng theo ông John Kerry, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, chiếm phân nửa lượng khí thải toàn cầu, phải làm việc cùng với các quốc gia khác để cắt giảm mạnh lượng khí thải. Reuters trích lời ông John Kerry nói: “Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội kinh tế to lớn, không chỉ cho Mỹ mà cho mọi quốc gia trên toàn thế giới”. Ông Edgare Kerkwijk, thành viên Hội đồng quản trị của Hiệp hội Năng lượng gió châu Á, cho biết mặc dù tuyên bố chung giữa Mỹ và Trung Quốc thiếu chi tiết, nhưng những cam kết của họ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo trên toàn thế giới.