ĐBQH: Phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực quốc gia một cách ưu đãi nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Bên lề kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nghị quyết là bước ngoặt lịch sử trong thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM), chúng ta cần sớm thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận mọi nguồn lực của quốc gia một cách thuận lợi nhất với nhiều ưu đãi nhất.

Có như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới có thể hiện thực hóa được Nghị quyết số 68-NQ/TW, biến kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của đất nước vào năm 2030.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chia sẻ về phát triển kinh tế tư nhân. Video: PHAN THẢO

Bên cạnh đó, cần thể chế, luật hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước để làm sao kinh tế tư nhân có điều kiện đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần này Quốc hội thông qua phải phản ánh và thể chế hóa được những tư duy, chủ trương, đường lối của Đảng. Từ đó, kinh tế tư nhân mới có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và mới có thể phát triển nhanh để xứng tầm, trở thành những tập đoàn lớn, sánh vai với các tập đoàn trên thế giới.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, chúng ta ao ước có hàng triệu doanh nghiệp tư nhân cũng như các hộ kinh doanh cá thể, nhưng cũng phải có nhiều tập đoàn lớn như Thaco, Vingroup, Sungroup, Hòa Phát… Phải nhân rộng những doanh nghiệp này, qua đó dẫn dắt kinh tế tư nhân. Do vậy, phải sớm thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW.

1.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Liên quan việc thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải biết rõ các doanh nghiệp đang cần gì, thiếu gì.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang thiếu việc tiếp cận các nguồn lực của xã hội, trong đó có nguồn lực đất đai. Ngoài ra, dường như khi thành lập các khu công nghiệp, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến các nhà đầu tư nước ngoài.

"Do đó, tới đây, phải xác định nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế phồn vinh, thịnh vượng, nhưng độc lập, tự chủ, nghĩa là chúng ta phải tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực quốc gia một cách thuận lợi nhất và ưu đãi nhất", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Còn theo đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Nghị quyết số 68-NQ/TW đánh dấu bước ngoặt rất lớn trong tiến trình phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân, biến khu vực này thành động lực quan trọng nhất trong đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

"Nghị quyết số 68-NQ/TW lần này đã thể hiện 3 tư tưởng rất lớn. Đó là giảm sự phiền hà; tăng cường mức độ bảo vệ đối với khu vực kinh tế tư nhân; khơi thông mọi nguồn lực, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là lực lượng quan trọng nhất trong đóng góp vào mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2030, năm 2045 mà chúng ta đã đề ra", đại biểu Phan Đức Hiếu cho hay.

Tin cùng chuyên mục