
Tiền công (TC) luôn là nguyên nhân chính của các tranh chấp lao động và đình công. Tại TPHCM, thời gian gần đây đã xuất hiện những sức ép về việc phải tăng TC, trong khi đó Chính phủ chưa có phương án nâng lương tối thiểu nên giải pháp tăng TC theo hình thức tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) đàm phán với người sử dụng lao động được coi là khả thi nhất. Từ thực tế đó, Vụ Quan hệ lao động (Bộ LĐTB-XH) vừa đề xuất xây dựng thí điểm cơ chế tăng TC tại TPHCM.
Vì sao chọn TPHCM?

Cơ chế tăng lương theo giá thị trường sẽ góp phần rất lớn hạn chế đình công. Ảnh: NGỌC LỮ
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Quan hệ lao động (Bộ LĐTB-XH), cho biết, nếu vấn đề TC không được giải tỏa kịp thời thì dễ bùng phát thành những “đám cháy đình công”, thậm chí “cháy” lớn.
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Đinh Kim Hoàng đồng tình với TS Cường và cho biết thêm: “Tại TPHCM đã xuất hiện nhiều sức ép về việc phải tăng TC, nhất là khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nguy cơ về đình công vào những tháng cuối năm rất cao. Áp lực này đến từ việc giá cả sinh hoạt tăng, cầu về lao động ở một số nghề và khu vực đang cao hơn cung”.
Theo TS Nguyễn Mạnh Cường, hiện nay có hai cách xác định TC: Một là, bám chặt vào lương tối thiểu (LTT) do Nhà nước quy định, sau đó DN tự đề ra quy định trả công của DN (mức TC, cách tính, định mức, thang bậc, lên lương…). Hai là, mức TC cũng như các chế độ lên lương, phụ cấp… được hai bên xác định qua thương lượng.
Từ hai cách trên, sẽ có 2 cách để tăng TC: Nhà nước nâng LTT hoặc tổ chức công đoàn đàm phán với người sử dụng lao động để nâng TC cho hợp lý. Hiện nay, giải pháp tăng LTT hoàn toàn không có tính khả thi vì Chính phủ chưa chấp nhận phương án nâng LTT; mức giá sinh hoạt tại TPHCM luôn cao hơn mức trung bình cả nước nên dù có tăng LTT cũng không tác động lớn đến mức TC hiện nay của các DN và phương án tăng LTT riêng cho khu vực FDI là không khả thi vì sau khi gia nhập WTO, Việt Nam phải có lộ trình để thống nhất hai mức LTT.
Bà Nguyễn Hồng Hà, Trưởng phòng Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), cho biết thêm, các DN tại TPHCM hiện rất cần một cơ chế tăng TC mà không chờ sự điều chỉnh LTT của Nhà nước. Nếu đề án xây dựng trả lương theo thương lượng, chọn TPHCM thí điểm sẽ có tính khả thi cao. VCCI sẽ hợp tác các tổ chức đối tác, các hiệp hội DN nước ngoài cùng tham gia.
Phác họa “kịch bản”

Việc thương lượng về tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa được xây dựng thành một cơ chế hoàn chỉnh. Ảnh: N.L.
Vụ Quan hệ lao động (Bộ LĐTB-XH) đã phác họa một “kịch bản” cho giải pháp tăng TC thông qua cơ chế thương lượng. Theo đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM phải tiến hành điều tra, đánh giá về mức độ thay đổi giá sinh hoạt, về cung - cầu trên thị trường, về mức lương trung bình hiện nay tại TP...
Trên cơ sở đó, đưa ra báo cáo (bằng những con số cụ thể), rồi mời các tổ chức đại diện cho các nhóm DN đến để công bố báo cáo, đề nghị phía DN nghiên cứu và khuyến nghị điều chỉnh TC. Sau khi tham vấn giới sử dụng lao động, LĐLĐ TP sẽ họp với các công đoàn cơ sở để thông báo tình hình và thống nhất phương thức thực hiện.
TS Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, tuy về hình thức đây là hoạt động của LĐLĐ TP, nhưng cần thành lập nhóm chuyên gia liên ngành, gồm Văn phòng UBND TP, Sở LĐTB-XH, LĐLĐ TP và VCCI với sự hỗ trợ từ các tổ chức ở Trung ương để xây dựng và thực hiện đề án, đồng thời tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Đại diện các ban ngành liên quan đều khẳng định tính chất khả thi và tích cực của giải pháp thương lượng giữa NLĐ và người sử dụng lao động về việc tăng TC. Bởi, nó phù hợp với nguyên tắc xác định TC của kinh tế thị trường; NLĐ đạt được mức TC cao nhất và quan trọng nhất là giải tỏa được áp lực đình công một cách tích cực… Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, việc thực hiện đề án vẫn gặp những thách thức không nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền công - Tiền lương (Sở LĐTB-XH TPHCM), nghi ngại: “Tổ chức nào thực sự đủ năng lực để đại diện cho NLĐ khi thương lượng với DN? Thương lượng ở cấp nào thì khả thi và thiết thực trong tình hình thiếu nhận thức về xác định TC thông qua thương lượng, vì lâu nay vẫn ngả nhiều về tư duy xác định TC bám vào LTT?”.
Sự nghi ngại này không phải không có cơ sở, do đó TS Nguyễn Mạnh Cường đã đề xuất các phương án kết hợp: “Thay vì Nhà nước đưa ra LTT mang tính bắt buộc thực hiện, công đoàn sẽ đưa ra mức TC tối thiểu mang tính khuyến nghị và thay vì tổ chức thương lượng bắt buộc, sẽ tổ chức tham vấn (là sự tự nguyện giữa NLĐ và DN, Nhà nước không tham gia); thay vì tiến hành ở cấp cơ sở hay cấp ngành, sẽ tổ chức tham vấn ở cấp liên DN (theo hiệp hội)”.
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Đinh Kim Hoàng cho biết, sắp tới khi đề án được hoàn thành, sở sẽ có tờ trình gửi UBND TP đề nghị được thông qua và triển khai thí điểm trong thời gian sớm nhất. Bởi, đây là một cơ chế có thể tạo dựng được quan hệ lao động lành mạnh trong tình hình hiện nay, qua đó tạo lập được “ba ổn định” quan trọng: xã hội ổn định trật tự, DN ổn định làm ăn và NLĐ ổn định làm việc.
Ngọc Lữ