Để nâng cao chất lượng sinh viên thực tập

Vừa qua, Khoa Quản lý Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TPHCM đã tổ chức tọa đàm "Nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên ngành quản lý văn hóa – nghệ thuật". 
Bà Đoàn Thị Ánh Mai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 8, TPHCM phát biểu tại buổi tọa đàm.
Bà Đoàn Thị Ánh Mai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 8, TPHCM phát biểu tại buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm không chỉ thu hút đông đảo thầy cô giáo, sinh viên của trường, mà còn có sự tham gia của lãnh đạo một số phòng văn hóa, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, các công ty truyền thông, công ty sự kiện trên địa bàn TPHCM.
Trong các tham luận gửi về tọa đàm, có nhiều tham luận đề cập đến các nội dung, như: vai trò của giảng viên hướng dẫn, việc chọn lựa đúng địa điểm thực tập, tăng cường công tác quản lý sinh viên, vai trò của cán bộ hướng dẫn tại cơ sở thực tập, chọn lựa thời gian địa điểm thực tập sao cho hợp lý...
Một số ý kiến cho rằng những năm trước đây khi đến đợt thực tập, sinh viên chỉ cần nhận giấy giới thiệu của nhà trường rồi tự tìm địa điểm thực tập cho mình, chính vì thế rất khó kiểm soát được quá trình thực tập cũng như đánh giá chất lượng sau khi thực tập, tuy vẫn có giấy xác nhận của đơn vị thực tập là đã hoàn thành tốt quá trình thực tập nhưng khi ra trường, sinh viên không thực hành được công việc chuyên môn đã được đào tạo, dẫn đến không tìm được việc làm và thất nghiệp là điều dễ hiểu. Đây được xem là lỗ hỏng trong công tác đào tạo và cần phải được lấp đầy.
Có thể nói, những địa điểm thực tập trong năm nay đã được lựa chọn khá kỹ lưỡng và phong phú, trong đó có cả các cơ quan quản lý nhà nước lẫn nhiều tập đoàn, công ty, các tổ chức tư nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, truyền thông lần đầu tiên có mặt trong danh sách địa điểm thực tập mà sinh viên sẽ được lựa chọn.
Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vai trò của giảng viên hướng dẫn, nhất là việc nên tìm những giảng viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để giúp cho sinh viên trong quá trình thực tập được thuận.
Bên cạnh những ưu điểm như sự năng động, sáng tạo của sinh viên thời gian qua đã được phát huy hiệu quả thì việc nâng cao các kỹ năng mềm như giao tiếp, soạn thảo văn bản... cũng cần phải được chú ý hơn trong thời gian tới. Với những đóng góp thu được từ chính ý kiến của các nhà "tuyển dụng" sinh viên trong tương lai tại buổi toạ đàm đã giúp việc đào tạo quản lý văn hóa - nghệ thuật theo đúng định hướng ứng dụng, sinh viên ra trường dễ có việc làm hơn!

Tin cùng chuyên mục