Theo đề xuất trên, phương án 1 là giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, thực hiện giảm tối đa cho tất cả các phương tiện (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/lượt, giảm tương ứng 57%) và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân khu vực lân cận lên đến khoảng 10km.
Phương án 2 là xây thêm 1 trạm trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó và mức phí sử dụng trên tuyến tránh và quốc lộ 1 hiện hữu bằng nhau, mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân khu vực, lân cận đến khoảng 10km.
Từ khi trạm BOT Cai Lậy hoạt động cho đến nay, dư luận đòi hỏi phải bỏ trạm BOT trên quốc lộ 1 để chuyển vào tuyến tránh. “Tuy nhiên, qua tham khảo và tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, cán bộ hưu trí và ý kiến cử tri phản ánh, UBND tỉnh Tiền Giang nhận thấy, trong 2 phương án trên thì phương án 2 sẽ thuận lợi hơn khi trạm BOT Cai Lậy đi vào hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nếu triển khai phương án 2 để thu phí, UBND tỉnh đề nghị Bộ Công an hỗ trợ tỉnh Tiền Giang trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại trạm BOT Cai Lậy”, một vị lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết.
Như Báo SGGP đã thông tin, tuyến tránh Cai Lậy dài 12km, có tổng kinh phí đầu tư là 1.000 tỷ đồng. Dự án này còn tăng cường mặt đường quốc lộ 1 thêm 400 tỷ đồng.