Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững

Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.
Toàn cảnh Quốc hội ngày 4-1. Ảnh: QUANG PHÚC
Toàn cảnh Quốc hội ngày 4-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Ngày 4-1, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.

Theo dự thảo, TP Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cùng đó, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu. Đáng chú ý, ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP…

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững ảnh 1 Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: QUANG PHÚC

Thẩm tra về dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 59) về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng ĐBSCL, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Về việc cho phép TP Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này vì sẽ góp phần tạo dư địa để TP Cần Thơ có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như TP Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Về quy định HĐND TP Cần Thơ được ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu một số loại phí, lệ phí so với quy định của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho hay, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất trên vì chính sách này tương tự như TPHCM, Hải Phòng đang được hưởng và phù hợp với thực tế của Cần Thơ. Tuy nhiên, đề nghị trong triển khai cần bảo đảm nguyên tắc: có lộ trình phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của TP; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm công khai, minh bạch. Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh, việc ban hành thêm hoặc điều chỉnh mức phí, lệ phí có thể ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp và kích cầu phục hồi kinh tế.

Về khu liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, dự thảo Nghị quyết quy định Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng ĐBSCL tại Cần Thơ là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản và các dự án đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan, thủ tục thuế.

Báo cáo thẩm tra cho thấy, đa số ý kiến tán thành việc thành lập Trung tâm và các nội dung ưu đãi nêu trên; tạo cơ chế hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với đặc thù của Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL. Mức ưu đãi thuế, thời hạn ưu đãi đã được quy định theo hướng tham khảo các mức ưu đãi đang được áp dụng cho các khu kinh tế…

Tin cùng chuyên mục