Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Cần Thơ

Chính phủ trình Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ do Thủ tướng thành lập, có ranh giới địa lý, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu liên kết được hưởng ưu đãi...
Các đại biểu dự phiên họp của UBTVQH
Các đại biểu dự phiên họp của UBTVQH

Ngày 10-12, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố (TP) Cần Thơ. Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản đã bảo đảm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự tại một kỳ họp. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động cần đầy đủ, chi tiết hơn.

Về việc cho phép TP Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này nhằm góp phần tạo dư địa để TP Cần Thơ huy động tối đa nguồn lực, đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như TP Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa.

Cũng theo đề xuất, Chính phủ trình Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ do Thủ tướng thành lập, có ranh giới địa lý, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu liên kết được hưởng ưu đãi (ưu tiên về thủ tục hải quan; ưu tiên về thời hạn nộp thuế theo pháp luật về thuế, hải quan; hưởng ưu đãi đặc biệt theo Điều 20, Luật Đầu tư).

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy dự thảo Nghị quyết chưa quy định rõ tính chất, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, bộ máy quản lý Khu liên kết; quyền hạn, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Cơ chế ưu đãi áp dụng đối với Khu liên kết chưa được quy định cụ thể. Tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư tại Khu liên kết là chưa rõ ràng. Điều kiện để được hưởng ưu đãi, phạm vi ưu đãi chưa được quy định trong dự thảo, dẫn đến việc dẫn chiếu theo các quy định hiện hành là chưa ăn khớp, khó thực hiện. Việc cho phép mọi dự án đầu tư tại Khu liên kết đều được hưởng ưu đãi về thủ tục hải quan; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất và các ưu đãi đầu tư khác là chưa chặt chẽ, công bằng, dễ dẫn đến lợi dụng pháp luật. Việc giao Thủ tướng quyết định cụ thể các nội dung như trong tờ trình là chưa hợp lý vì nhiều vấn đề sẽ không thuộc thẩm quyền. Thủ tướng sẽ không thể quyết định các nội dung trái luật.  

Thảo luận tại phiên họp, cho ý kiến về Khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với những ưu đãi về thủ tục hải quan, thủ tục về thuế, thời hạn nộp thuế… Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào trung tâm này thì cần thống nhất có ưu đãi cao hơn để đủ hấp dẫn, nhất là nhà đầu tư về chế biến nông sản. Với những doanh nghiệp đặc biệt lớn có vốn 30.000 tỷ đồng trở lên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp này nên được hưởng một số ưu đãi như tiền thuê đất, ưu đãi thuế doanh nghiệp… và được quy định cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết. Những doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm này có thể hưởng thuế suất ưu đãi ngoài các thuận lợi về hải quan, có cơ chế ưu đãi hơn để đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH tán thành về sự cần thiết của việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, thống nhất hồ sơ Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp không thường kỳ tới đây.

Theo đó, UBTVQH tán thành TP Cần thơ được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định. Cho phép thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn TP Cần Thơ theo hướng: Hội đồng nhân dân TP quyết định áp dụng trên địa bàn TP các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí, ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí (trừ án phí, lệ phí Tòa án). Ngân sách TP Cần Thơ được hưởng 100% số thu tăng thêm do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Nguồn thu này được loại trừ khi tính cân đối ngân sách và phân chia các khoản thu giữa Trung ương, địa phương như cơ chế đối với các khoản thu từ đất, thu từ xổ số.

TP Cần Thơ tạo nguồn quản lý, sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng quy định, sau khi đảm bảo nguồn cải cách tiền lương để thực hiện các nhiệm vụ chính sách theo quy định thì được sử dụng chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP. Chính sách này chỉ được thực hiện khi thành phố tự cân đối được ngân sách.

Toàn bộ thành viên UBTVQH thống nhất bổ sung chương trình xây dựng pháp luật đối với Nghị quyết này để bổ sung chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV.

Tin cùng chuyên mục