Đề xuất cơ chế riêng để phát huy hết tiềm năng, lợi thế đảo Phú Quốc

Dù được định hướng là trung tâm nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới, đồng thời là thành phố đảo đầu tiên của cả nước, nhưng Phú Quốc vẫn chỉ tương đương cấp huyện trực thuộc tỉnh. Do đó, cần có cơ chế riêng để thành phố đảo này phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình. 

Chiều 25-11, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, địa phương vừa chính thức đề xuất với Chính phủ ban hành một số cơ chế đặc thù cho TP Phú Quốc (thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam).

Đề xuất cơ chế riêng để phát huy hết tiềm năng, lợi thế đảo Phú Quốc ảnh 1 Một góc thành phố đảo Phú Quốc

Sở dĩ Phú Quốc cần có cơ chế riêng là vì, ngay từ năm 2004, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch định hướng địa phương này trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới. Với định hướng này, Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng cho Phú Quốc với tổng số vốn hơn 100.000 tỷ đồng (giai đoạn 2010-2015). Trong đó, có các công trình rất quan trọng như đường cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo (hiện đã hoàn thành bổ sung thêm 1 đường cáp thứ 2), cảng hàng không quốc tế, đường trục Nam – Bắc đảo, cảng biển quốc tế…

Đó là cơ sở để Phú Quốc thu hút được 335 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn trên 360.000 tỷ đồng. Trong số này có nhiều dự án quy mô cực kỳ hoành tráng như: quần thể du lịch, nghỉ dưỡng có loại hình dịch vụ casino của Tập đoàn Vingroup ở phía Bắc đảo Phú Quốc. Phía Nam đảo có quần thể phức hợp JW Mariott kết hợp thành chuỗi du lịch – giải trí đẳng cấp từ An Thới ra Hòn Thơm, với đường cáp treo vượt biển dài nhất thế giới (gần 8km) của Tập đoàn Sun Group…

Đề xuất cơ chế riêng để phát huy hết tiềm năng, lợi thế đảo Phú Quốc ảnh 2 Thời gian qua, đảo ngọc Phú Quốc thu hút nhiều dự án lớn về du lịch, vui chơi giải trí...

Dù phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, song Phú Quốc vẫn vướng cơ chế. Đơn cử vấn đề thiếu đội ngũ cán bộ. Hiện tại, trừ lãnh đạo địa phương ra, các phòng, ban chuyên môn của TP Phú Quốc chỉ có trưởng phòng và 1-2 phó trưởng phòng, biên chế cán bộ phòng nhiều nhất khoảng 11-12 người. Trong khi khối lượng công việc tại đây rất lớn. Chính vì bộ máy bị quá tải, nên từ nhiều năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn phải cử cán bộ tăng cường cho đảo Phú Quốc trên nhiều lĩnh vực, từ quản lý đất đai, an ninh – trật tự, cho tới bảo vệ rừng…

Đề xuất cơ chế riêng để phát huy hết tiềm năng, lợi thế đảo Phú Quốc ảnh 3 Tỉnh Kiên Giang đề xuất cơ chế riêng nhằm phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của đảo ngọc Phú Quốc 

Theo Tờ trình của tỉnh Kiên Giang, có 6 nhóm chính sách cần cơ chế riêng cho Phú Quốc, gồm: Nhóm chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nhằm tăng tính kết nối; nhóm chính sách về quản lý và phát triển nguồn nhân lực; các ưu đãi liên quan đến tài chính như ưu đãi thuế, chính sách tài chính tiền tệ, tiền lương, hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu đãi đất đai và xúc tiến đầu tư; phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội; bảo đảm an ninh quốc phòng; đầu tư và hợp tác quốc tế.

Ông Mai Văn Huỳnh cho biết thêm, Phú Quốc từng được dự kiến sẽ trở thành một trong những khu hành chính - kinh tế đặc biệt, nhưng đến năm 2018 thì nội dung này dừng lại. Chính vì vậy, địa phương mới đề xuất cơ chế riêng để Phú Quốc sớm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có. Hiện Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT cùng các bộ ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất trên của tỉnh Kiên Giang. 

Tin cùng chuyên mục