LTS: Ngày 6-10, Báo SGGP đề xuất cần có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đã chia sẻ, bày tỏ ý kiến đồng thuận, đề xuất Quốc hội sớm xem xét chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm. Báo SGGP cũng nhận được nhiều ý kiến, trong đó có cả đại biểu Quốc hội chia sẻ, đồng tình về ngày tưởng niệm.
Đại biểu Quốc hội TÔ THỊ BÍCH CHÂU
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM
Tưởng nhớ về những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta kéo dài gây ra tổn thương, mất mát đối với TPHCM nói riêng và một số tỉnh, thành cả nước nói chung.
Tại TPHCM, dịch Covid-19 làm nhiều gia đình đối diện với nỗi đau xé lòng. Nhiều người lần lượt ra đi mà không một lời từ biệt, không người thân bên cạnh. Những người vợ bỗng chốc thành góa phụ, và những người chồng phải sống cảnh “gà trống nuôi con”. Hàng ngàn đứa trẻ trở thành mồ côi khi ba, mẹ mãi mãi đi xa. Nhiều cụ tuổi già bóng xế trở thành neo đơn. Những tổn thất này không sao kể xiết. Những mất mát chưa biết bao giờ nguôi ngoai trong lòng người ở lại.
Trước cuộc chiến đầy cam go và khốc liệt của dịch Covid-19, cùng với sự chi viện từ Trung ương và các tỉnh, thành cả nước, TPHCM đã vận hành toàn bộ hệ thống chính trị với gấp đôi sức lực để chống dịch cho mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Từng người, từng lực lượng dũng cảm nỗ lực chiến đấu. Đặc biệt, các y bác sĩ và tuyến đầu chống dịch gác mọi việc riêng để sẵn sàng vào điểm nóng. Trong đại dịch thấy rõ sự xông pha, dũng cảm của người dân, với hàng ngàn người tình nguyện lao vào tâm dịch chia sẻ áp lực với lực lượng tuyến đầu. Hàng trăm tình nguyện viên tôn giáo cũng xung phong ra tuyến đầu chống dịch ở các bệnh viện để giảm tải cho y bác sĩ và chăm sóc, động viên tinh thần bệnh nhân Covid-19 khi không có người thân bên cạnh.
Mặt khác, từ nhiều nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, thành bạn trong cả nước và các nguồn lực trong và ngoài nước, đã hỗ trợ, giúp TPHCM chăm lo công tác an sinh cho người dân. Chỉ từ tháng 1 đến tháng 11-2021, thành phố tiếp nhận hơn 1.038 tỷ đồng tiền mặt, lương thực thực phẩm trị giá hơn 370 tỷ đồng và hơn 313 tỷ đồng đóng góp cho quỹ vaccine. Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn mua vaccine hỗ trợ cho thành phố. Nếu tính riêng từ tháng 7-2021 đến nay, đã có 198 tổ chức, cá nhân mua, ủng hộ thành phố hơn 2.664 tỷ đồng trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19.
Những nỗ lực trên góp phần kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 ở thành phố, để hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, nhịp sống xã hội hồi sinh, từng bước đưa sinh hoạt của nhân dân thành phố sớm trở về trạng thái “bình thường mới”.
Cuộc chiến với đại dịch, dẫu là mặt trận không tiếng súng nhưng khốc liệt với những máy thở, tiếng xe cứu thương… Cho nên, lúc này - dịch bệnh cơ bản được kiểm soát - là thời điểm chúng ta lắng lại, tưởng nhớ về những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19. Vì vậy, việc TPHCM tổ chức một buổi lễ tưởng niệm thành kính, trang nghiêm cầu nguyện cho hương hồn những người tử vong do dịch Covid-19 là rất cần thiết.
Ở cấp quốc gia, tôi nghĩ rằng, Quốc hội nên nghiên cứu và chọn một ngày tưởng niệm hàng năm đối với những người tử vong do thiên tai, dịch bệnh. Ngày tưởng niệm ấy là dịp để chúng ta cùng nhắc nhớ về một giai đoạn khó khăn, qua đó tạo ra sự đoàn kết, đồng lòng trong cuộc chiến chống lại thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, bày tỏ sự tri ân, tôn vinh những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh nhằm bảo vệ sức khỏe và cuộc sống bình an của nhân dân, cũng như tạo sự an ủi với các gia đình có người thân mất trong thiên tai, dịch bệnh. Đây còn là dịp để giáo dục mọi người không được chủ quan, lơ là trước những tình huống của thiên tai, dịch bệnh. Qua đó, từng người càng thêm cảnh giác, trang bị cho mình kiến thức về sinh tồn, kỹ năng phòng chống thiên tai, dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe, tính mạng.
Đại biểu Quốc hội NGUYỄN TRẦN PHƯỢNG TRÂN
Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM
Mất mát không gì bù đắp được
TPHCM đang từng bước thực hiện “bình thường mới”. Để có được kết quả ấy, biết bao mồ hôi, công sức và cả sự hy sinh tính mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Trên mặt trận ấy, dù không có tiếng súng, nhưng để giành lại sự sống cho từng bệnh nhân Covid-19, đã có rất nhiều mất mát, hy sinh.
Đau lòng nhất là hàng ngàn đứa trẻ phải mồ côi cha, mẹ. Biết bao người ra đi mà chưa kịp tạm biệt con cái, người thân của mình. Hàng chục ngàn người mãi nằm xuống sau thời gian chiến đấu kiên cường với dịch bệnh, để rồi ra đi trong âm thầm, không người thân đưa tiễn. Nhiều gia đình, cũng bởi sự cách ngăn của dịch bệnh nên ngày được gặp lại người thân chỉ còn vỏn vẹn hũ tro cốt trên tay. Nhiều y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu lên đường chống dịch rồi mãi không về. Những tổn thất, hy sinh, mất mát ấy không gì bù đắp được.
Rất nhiều người dân mong muốn được tổ chức lễ tiễn đưa người thân của mình, nhưng vì tình hình dịch bệnh nên không thể thực hiện. Do đó, theo tôi tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong dịch Covid-19 vừa qua là việc nên làm, điều này rất ý nghĩa và cũng phù hợp với đạo lý của dân tộc ta.
Đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng NGUYỄN MINH HOÀNG
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM
Đề nghị chọn ngày 9-7
Dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi mặt đời sống của người dân TPHCM cũng như cả nước. Chúng ta xót xa trước mất mát quá lớn về sinh mạng của đồng bào. Tôi rất mong có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Người Việt Nam chúng ta đã có tháng 7 là tháng tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc. Cuộc chiến với Covid-19 là cuộc chiến không tiếng súng trong thời bình. Đây là cuộc chiến chưa có tiền lệ và chúng ta đã phải đau đớn chứng kiến những thương vong. Vì vậy, tôi đề nghị lấy ngày 9-7 (lúc TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) làm ngày tưởng niệm. Ngày này là dịp chúng ta cùng tưởng nhớ người đã qua đời trong đại dịch, cùng chia sẻ tình thương, sự an ủi với thân nhân của người đã mất và cùng tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Đại biểu Quốc hội, Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Khuyến khích tưởng niệm trực tuyến
Trong cuộc chiến cam go, khốc liệt với dịch Covid-19, chúng ta chứng kiến được những tổn thất lớn về sinh mạng. Đến nay, riêng TPHCM có gần 16.000 người và cả nước có trên 20.000 người tử vong vì dịch Covid-19. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã gợi ý về một hình thức tưởng niệm những người đã qua đời vì đại dịch. Nhìn lại, nhiều quốc gia đã tưởng niệm nạn nhân Covid-19 với những hình thức như xây tượng đài, trồng cây, dành một ngày trong năm, hay một lễ tưởng niệm toàn quốc. Người dân các nước cũng sáng tạo những cách tưởng niệm tự nguyện khác nhau, trực tiếp hay qua mạng xã hội.
Ở Việt Nam, Trung ương Đảng đã dành một phút tưởng niệm tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vì vậy, tại TPHCM, tôi đề nghị dành một ngày để chính quyền và người dân cùng tưởng niệm về đồng bào tử vong vì Covid-19. Về chính quyền, cũng cần tổ chức một lễ tưởng niệm chính thức.
Các tổ chức tôn giáo vẫn được phép tổ chức lễ tưởng niệm phù hợp với tôn giáo của mình. Các lĩnh vực, ngành nghề, tầng lớp nhân dân như ngành y tế, giáo dục, văn hóa, sản xuất, kinh doanh… được có hình thức tưởng niệm tùy điều kiện cụ thể. Tựu trung lại, hình thức tưởng niệm cần bảo đảm ý nghĩa, tính thiết thực và tình cảm, ngắn gọn, không phô trương, lãng phí, khuyến khích áp dụng hình thức trực tuyến.