Đi, sống, cống hiến và khiêm nhường

“Người ca sĩ sống mãi trong lòng khán giả là vì các ca khúc họ hát đi vào lòng công chúng, chứ không phải nhờ mấy danh xưng tự huyễn hoặc. Hãy để khán giả thương yêu, công nhận khả năng của mình, thay vì vỗ ngực tự phong mình là ông hoàng này, bà chúa nọ”, một khán giả lên tiếng sau khi nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ê kíp công bố dự án phim Hào quang rực rỡ - The King.

Đây là dự án phim điện ảnh do MAR6 Pictures sản xuất, được mua bản quyền chuyển thể câu chuyện tiểu sử của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Trong dự án này, nam ca sĩ tham gia đóng vai chính mình.

Ngay sau sự kiện công bố dự án trên, khắp nơi, từ các phương tiện truyền thông đại chúng đến mạng xã hội nổ ra những phản ứng trái chiều mạnh mẽ. Dường như ai cũng biết khi đặt tên Hào quang rực rỡ - The King, khán giả sẽ lập tức liên tưởng danh xưng “Ông hoàng nhạc Việt” lâu nay đi kèm với Đàm Vĩnh Hưng. Nam ca sĩ vốn ồn ào trong mọi lần xuất hiện, trong mọi sản phẩm âm nhạc và phần lớn các phát ngôn mà công chúng vốn không lạ gì. Khi làm phim chính mình, danh xưng The King khiến ai cũng có thể hiểu anh đang tự xưng “vua” trong lĩnh vực âm nhạc. Trước phản ứng gay gắt, chỉ trích của khán giả rằng anh lố bịch, kệch cỡm, Đàm Vĩnh Hưng và ê kíp đã xóa tên tiếng Anh trong tựa đề và hiện tại dự án phim còn 4 chữ: Hào quang rực rỡ.

Dòng phim tiểu sử (biographical film) trên thế giới thường chỉ dành cho những người thực sự tầm vóc với tiểu sử gian truân, nếm trải vinh hoa, phú quý đời nghệ sĩ. Các phim này cũng khá hạn chế phong danh xưng to tát cho nhân vật, như phim về Elvis Presley - người được mệnh danh “Ông hoàng của dòng nhạc Rock & Roll” chỉ lấy ngắn gọn Elvis; Whitney Houston với câu chuyện đời trúc trắc gói gọn trong cái tên Whitney; Aretha Franklin nổi tiếng với biệt hiệu “Nữ hoàng nhạc soul” được làm phim với tựa Respect; phim về Elton John lấy tên là Rocketman (nhan đề một ca khúc của ông)… Trở lại với dự án phim về Đàm Vĩnh Hưng, khán giả cho rằng anh cố tình chiêu trò, đánh bóng. Có khán giả nói thẳng, nam nghệ sĩ đang phô trương, ngộ nhận, ảo tưởng danh xưng, không tự lượng mình trước công chúng.

Trong showbiz Việt đâu chỉ có mình Đàm Vĩnh Hưng ồn ào danh xưng, còn có hàng loạt nghệ sĩ khác đi đâu cũng gắn mác “nữ hoàng”, “hoàng tử”, “công chúa”, “danh ca”, “diva”, divo”, “siêu sao”… Những hào quang, nếu có, thì đến lúc nào đó cũng là phù hoa, cũng sẽ chìm trôi, tan biến khi có ca sĩ mới hot hơn, khi sóng sau dồn lên sóng trước. Chỉ có sự yêu thương, trân trọng của khán giả là còn mãi. Như cố nghệ sĩ Vũ Linh, sau khi mất được khán giả tung hô “Ông hoàng cải lương Hồ Quảng” nhưng lúc sinh thời, người nghệ sĩ luôn chỉ dám tự nhận mình là “người đưa đò” trong làng cải lương. Không cần tự xưng, ông vẫn là “ông hoàng” trong lòng công chúng bởi sự giản dị, tự trọng.

Nếu muốn làm người của công chúng, được công chúng yêu thương, càng phải biết tự trọng, khiêm nhường. Ai quên điều đó đừng trách công chúng lánh xa! Đi, sống, cống hiến và khiêm nhường và bài học người nghệ sĩ cần học cả đời…

Tin cùng chuyên mục