Địa đạo Phú Thọ Hòa là sáng tạo độc đáo của thế hệ tiền nhân

Sáng 4-8, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đã đi khảo sát địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú).
Đi cùng đoàn có các đồng chí: Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM; Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM.
Địa đạo Phú Thọ Hòa là sáng tạo độc đáo của thế hệ tiền nhân ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu trong đoàn đã dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu địa đạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với tầm vóc giá trị lịch sử và vị trí của một địa đạo đầu tiên và nằm trong lòng TPHCM, trong thời gian qua, di tích địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú) đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước và TPHCM quan tâm đến thăm và chỉ đạo việc phục chế, nâng cấp chỉnh trang nhằm phát huy giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

Chuyến đi khảo sát địa đạo Phú Thọ Hòa lần này của lãnh đạo TPHCM không chỉ mang ý nghĩa đó mà còn hướng đến dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19-8-1945 – 19-8-2022) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2022).

Địa đạo Phú Thọ Hòa là sáng tạo độc đáo của thế hệ tiền nhân ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khảo sát thực tế hầm địa đạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn đã đi khảo sát một vòng khu địa đạo. Trong đó, đồng chí đã trực tiếp xuống hầm địa đạo để khảo sát.

Sau khi khảo sát thực tế và nghe những nhân chứng lịch sử về địa đạo kể lại, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo xây dựng đầy đủ nội dung thuyết minh, có những câu chuyện súc tích, ngắn gọn, sinh động về địa đạo Phú Thọ Hòa để kể cho các cháu thiếu nhi, học sinh và du khách mỗi khi đến đây tham quan, học tập. Trong đó, đồng chí bày tỏ nếu những câu chuyện này được chính những người từng là nhân chứng lịch sử kể lại thì càng quý và sẽ tạo sức hấp dẫn nhiều hơn.

Địa đạo Phú Thọ Hòa là sáng tạo độc đáo của thế hệ tiền nhân ảnh 3 Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Nên đã nghe ông Nguyễn Hùng Minh (82 tuổi, nhân chứng lịch sử) kể nhiều câu chuyện về địa đạo Phú Thọ Hòa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu, tổ chức, sắp xếp, chỉnh trang lại địa đạo Phú Thọ Hòa để khách đến tham quan được trải nghiệm tốt hơn, cũng như có nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống lịch sử cho các cháu thiếu nhi, học sinh. Trong đó, quan tâm đến cảnh quan khu địa đạo. Đồng thời tiếp tục bổ sung dần các nội dung còn thiếu, để nơi đây trở thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng nghĩa. 

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu trong quá trình đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp chỉnh trang địa đạo Phú Thọ Hòa phải cho xứng với tầm vóc lịch sử nơi đây. Trong đó thể hiện được sự sáng tạo độc đáo của thế hệ cha ông xây dựng địa đạo với hệ thống hầm liên xã, chiều dài địa đạo chạy theo địa hình, địa vật kéo dài trên 10 cây số, qua đó ghi lại những chiến công lịch sử trong kháng chiến.

Địa đạo Phú Thọ Hòa là sáng tạo độc đáo của thế hệ tiền nhân ảnh 4 Đồng chí Nguyễn Văn Nên cùng các đồng chí trong đoàn khảo sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đồng chí bày tỏ, hồi xưa trong bối cảnh khó khăn, gian khổ, thế hệ cha ông đã làm được những điều phi thường, có những sáng kiến, sáng tạo độc đáo xây dựng nên địa đạo như thế thì hôm nay phải nói cho thế hệ trẻ hiểu biết về điều đó.

Chia sẻ điều này, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, nơi đây phải kết nối được giữa “quá khứ - hiện tại - tương lai” khi giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay. “Hồi xưa cha anh mình đã làm như thế, mình hiện nay có được như thế này là nhờ các thế hệ đi trước”, đồng chí nhắc nhở và gửi gắm thế hệ hôm nay và mai sau phải hiểu biết về lịch sử để bản thân có trách nhiệm với cuộc đời, sứ mệnh đối với Tổ quốc.

Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu, tại đây cần nghiên cứu có nơi đặt bia tưởng niệm hoặc ghi danh sách cụ thể người dân cách mạng, trung kiên đã hy sinh để bảo vệ, che chở, không để lộ thông tin địa đạo trong kháng chiến. Đồng chí lưu ý đây là một trong những điểm nhấn ở khu địa đạo Phú Thọ Hòa.

Địa đạo Phú Thọ Hòa là sáng tạo độc đáo của thế hệ tiền nhân ảnh 5 Đoàn khảo sát các tuyến hầm trong địa đạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về câu chuyện người dân mang họ Cù, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý trong quá trình thuyết minh về địa đạo Phú Thọ Hòa cũng cần thuyết minh rõ, tìm ra thêm ý nghĩa vì sao nhiều người mang họ Cù để du khách, các cháu thiếu nhi, học sinh hiểu biết thêm.

Liên quan đến câu chuyện họ Cù, theo tìm hiểu, thế hệ trước nhiều người tham gia đào địa đạo đều mang họ Cù như: Cù Thược, Cù Thanh, Cù Huê, Cù Bốn, Cù Hóa, Cù Lự, Cù Sao, Cù Thực, Cù Kỳ… Sự thật khi sinh ra không có ai mang họ Cù cả, mà đó chỉ là một cái họ bí mật để chỉ các đồng chí trong tổ đào hầm, có thể vì thấy công việc đào hầm rất nặng nhọc, vất vả nên ai đó đã đặt để chỉ những người siêng năng, chịu khó hoàn thành nhiệm vụ.
Trước đó, báo cáo với đoàn, Bí thư Quận ủy quận Tân Phú Lê Thị Kim Hồng cho biết, ở giai đoạn tiếp theo trong việc nâng cấp, tôn tạo địa đạo, quận sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hình ảnh 3D để giới thiệu về địa đạo cùng với việc thuyết minh tự động bằng robot…
Địa đạo Phú Thọ Hòa đã góp phần tạo nên sự sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân đầu tiên được ra đời trong một bối cảnh mà chung quanh dày đặc đồn bốt của kẻ thù, nhưng vẫn hoạt động hữu hiệu suốt 20 năm dài đấu tranh gian khổ của quân và dân xã Phú Thọ Hòa (1947-1967) và đã làm nên những chiến công oanh liệt.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã thể hiện sự sáng tạo trong đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng, làm nên chiến công oanh liệt, hai lần tấn công vào kho bom Phú Thọ (1952 - 1954), nhiều lần đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, làm tiêu hao nhiều lực lượng địch, hỗ trợ cho chiến trường Điện Biên Phủ gây tiếng vang trong nước và thế giới.
Địa đạo Phú Thọ Hòa là sáng tạo độc đáo của thế hệ tiền nhân ảnh 6 Năm 1996, địa đạo Phú Thọ Hòa được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Địa đạo Phú Thọ Hòa còn là nơi che giấu hàng ngàn cán bộ, du kích, bộ đội như: Chi đội 12, Tiểu đoàn Ký Con, Tiểu đoàn Ngô Gia Tự, Chi đội 13… Đồng thời là cái nôi đảm bảo cho nhiều cán bộ quân dân chính đảng các cấp về dừng chân hoạt động tại đây.

Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng vào năm 1947 tại thôn Lộc Hòa và vùng phụ cận, nay tọa lạc tại số 139 đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM). Tiền thân của địa đạo là những chiếc hầm bí mật, gồm hệ thống địa đạo liên xã, bắt đầu từ ấp Lộc Hòa kéo dài đến ấp Bình Long, Bình Đông qua Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu…. chiều dài địa đạo chạy theo địa hình, địa vật kéo dài trên 10 cây số.

Trên mặt đất được đào thêm nhiều hầm chiến đấu lộ thiên hình chữ L và giao thông hào, trồng thêm tre, dứa dọc theo bờ tạo thành địa hình, địa vật chiến đấu liên xã Phú Thọ Hòa – Bình Hưng Hòa – Tân Sơn Nhì.

Địa đạo được đào sâu dưới lòng đất hơn 3 mét, có đoạn sâu đến 4 mét, lòng địa đạo cao 1 mét, rộng 0,6 đến 0,8 mét, hai bên có nhiều ngách đi sang nhiều hướng khác nhau. Địa đạo có 2 tầng, đường đi của địa đạo có lúc trầm xuống có lúc trồi lên, có nhiều lỗ thông hơi và nhiều miệng hầm, có nắp đậy được ngụy trang cẩn thận tùy theo địa hình bên trên mặt đất.

Năm 1996, địa đạo Phú Thọ Hòa được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”.

Tin cùng chuyên mục