Dịch sốt xuất huyết sẽ dữ dội hơn

Dịch sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng ở tất cả các tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội và TPHCM đang là điểm nóng của dịch bệnh nguy hiểm này...

Nhiều BV đang trong tình trạng quá tải BN sốt xuất huyết
Nhiều BV đang trong tình trạng quá tải BN sốt xuất huyết

Đây là cảnh báo của Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH diễn ra chiều 24-7 tại 2 điểm cầu Hà Nội và TPHCM. 

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 60.000 ca bệnh SXH, trong đó có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân SXH nhập viện tăng trên 12,5%, số tử vong tăng 3 trường hợp. Dịch SXH đã xuất hiện tại 61/63 tỉnh thành phố, trong đó 26 địa phương có số ca mắc tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tỉnh có số ca mắc SXH cao nhất cả nước là Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Khánh Hòa và Long An.

Nhận định về tình hình dịch SXH, nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng do mùa hè đến sớm ở miền Bắc, trong khi ở miền Nam mùa mưa đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực tăng cao hơn những năm trước dẫn đến muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Cùng với đó còn có nguyên nhân chủ quan khiến dịch SXH gia tăng bất thường, đó là người dân ở nhiều nơi còn rất lơ là, chủ quan trước dịch bệnh. Cơ quan chức năng, chính quyền cấp cơ sở ở một số địa phương cũng chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt nhiều hộ dân không hợp tác với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Chẳng hạn ở Hà Nội có hơn 20% hộ gia đình đi vắng khi có đội phòng dịch đến diệt mầm bệnh, 5% không cho phun hóa chất, 7% hộ gia đình đi vắng khi phun hóa chất.

Bộ Y tế cũng nhận định những tháng cuối năm 2017, dịch bệnh SXH vẫn diễn biến phức tạp do hiện nay vẫn đang là mùa dịch, mùa nóng kéo dài do nhuận 2 tháng 6 âm lịch. Tình hình dịch trên thế giới và khu vực vẫn đang tăng nhanh.

Trong khi đó, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, type virus gây bệnh SXH ở miền Bắc chủ yếu là D1, tại miền Nam là type D2. Hiện chưa có sự biến đổi về chủng virus gây bệnh nhưng dự báo thời gian tới dịch SXH còn bùng phát mạnh hơn nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống quyết liệt.

Qua điều tra cho thấy, ổ muỗi, bọ gậy/lăng quăng truyền bệnh SXH tập trung chủ yếu ở dụng cụ chứa nước ở chậu cây cảnh, lốp xe, lọ hoa, chum vại đựng nước không có nắp đậy và những bãi đất trống.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch SXH tới người dân
Trước diễn biến tiếp tục phức tạp và bất thường của dịch SXH năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất là hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh SXH.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, trong thời gian qua, công tác truyền thông mới chỉ tập trung vào số lượng ca mắc, ca tử vong, đó là câu chuyện khi dịch đã bùng phát. Thay vào đó, cần tập trung vào công tác phòng chống bệnh, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dịch bệnh. 

Muỗi truyền SXH là muỗi ưa nước sạch, đốt buổi sáng… do đó cần phải tuyên truyền mạnh tới người dân các biện pháp phòng bệnh cụ thể như: lật úp ngược các chum, dụng cụ đựng nước, diệt loăng quăng chứ không chỉ tập trung phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh. 
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các bệnh viện truyền nhiễm mở rộng cơ sở điều trị ban ngày để tiếp nhận bệnh nhân SXH. Khi người dân mắc bệnh dứt khoát phải được điều trị kịp thời nhưng không được để quá tải bệnh viện, không được để bệnh nhân nằm ghép.

Tin cùng chuyên mục