Điểm tựa của công nhân thất nghiệp

Dịch Covid-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động, dẫn đến hàng chục ngàn người lao động mất việc. Không ít người lao động còn giữ được việc làm thì thu nhập giảm sút, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Nhiều tổ chức của TPHCM đã và đang đẩy mạnh các hoạt động giúp người lao động tìm được việc làm và hỗ trợ họ ổn định cuộc sống.

Nhọc nhằn tìm lại việc làm

“Được việc không anh?”, chị Nguyễn Ngọc Phương (ngụ quận 4, TPHCM) vội hỏi chồng khi thấy anh Phạm Mạnh Tiến bước ra khỏi bàn cà phê phỏng vấn trong chương trình Coffee việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TPHCM (YesCenter, thuộc Thành đoàn TPHCM). Thấy chồng khẽ gật đầu, chị Phương rạng rỡ hẳn. Vợ chồng chị Phương cùng làm nhân viên tại một khách sạn ở quận 5. Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch nên khách sạn nơi vợ chồng chị làm cắt giảm nhân sự.

Chị Phương được giữ lại làm việc nhưng chỉ hưởng 60% lương, còn anh Tiến phải nghỉ. “Giờ anh ấy mới tìm được việc sau gần 4 tháng miệt mài rải hồ sơ. Vợ chồng tôi xác định có việc để làm là mừng, lương thấp hơn trước một chút cũng không sao”, chị Phương nói.  

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc YesCenter, cho biết, ảnh hưởng của Covid-19, không ít DN giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN lựa chọn lao động có kinh nghiệm hoặc những người gắn bó lâu năm, nên lúc này, lao động trẻ không có nhiều cơ hội để giữ được việc làm. Chưa kể, mỗi năm, hàng ngàn sinh viên ra trường khiến áp lực về việc làm dành cho thanh niên thành phố là rất lớn.

Mọi năm, trung tâm tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối thanh niên và DN như chương trình Tiếp sức người lao động, Ngày hội việc làm… thu hút hàng trăm DN và hàng ngàn thanh niên, tân cử nhân của các trường đại học đến phỏng vấn trực tiếp. Song, với ảnh hưởng của dịch bệnh, những mô hình kết nối này thực hiện gọn lại, số lượng người lao động tiếp cận được việc làm cũng ít hơn.

Điểm tựa của công nhân thất nghiệp ảnh 1 Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp tặng quà cho nữ công nhân mang thai có hoàn cảnh khó khăn
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, tính đến đầu tháng 9-2020 đã có hơn 21.000 DN trên địa bàn TPHCM ngừng hoạt động, giải thể, chủ yếu tập trung ở các ngành nghề: da giày, du lịch, khách sạn, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải kho bãi và bán buôn, bán lẻ. Hơn 328.000 lao động bị mất việc hoặc phải làm việc luân phiên. 

Trong khi đó, tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), trong 9 tháng đầu năm, toàn khu có 78 DN phải thu hẹp sản xuất. Điều này làm ảnh hưởng đến hơn 14.870 lao động, trong đó hơn 3.185 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 1.368 lao động nghỉ việc không được hưởng lương. Hàng ngày, nhiều công nhân đến khu vực bảng tin của khu chế xuất với mong mỏi tìm được việc làm phù hợp. Thế nhưng gần đây, số công ty có nhu cầu tuyển dụng rất hiếm hoi.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp - Khu Chế xuất (KCN-KCX) TPHCM, cho biết, công đoàn KCX-KCN đang tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của các DN trong khu, rà soát các vị trí cần lao động để giới thiệu cho những lao động bị mất việc.

Cứu cánh khi thất nghiệp

Để hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, YesCenter đẩy mạnh kênh kết nối DN và người lao động qua app Sieuthivieclam, fanpage YesCenter, tư vấn việc làm qua tổng đài 1088 và tư vấn trực tiếp qua 10 văn phòng nằm ở các bến xe, nhà ga, trung tâm thành phố.

Ngoài ra, các quận huyện đoàn cũng rà soát lao động trẻ tại địa phương và kết nối với YesCenter để kịp thời hỗ trợ việc làm. Đối với các DN có nhu cầu tuyển dụng trực tiếp, YesCenter tổ chức chương trình Coffee việc làm. Thứ bảy hàng tuần, DN và người lao động sẽ trực tiếp gặp nhau, vừa hiệu quả, vừa đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống dịch. Tính từ đầu năm đến nay, thông qua các hoạt động của YesCenter đã giới thiệu, tư vấn việc làm cho hơn 12.000 lao động.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ người lao động tìm lại việc làm, nhiều nơi còn nỗ lực giúp người lao động ổn định cuộc sống sau khi mất việc. Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Huê Phong, đóng trên địa bàn quận Gò Vấp, TPHCM đã phải chấm dứt hợp đồng hơn 4.140 lao động.

Trong số đó, có rất nhiều lao động nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ. Để hỗ trợ công nhân bị mất việc làm tại Công ty Huê Phong, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Gò Vấp phối hợp làm cầu nối giới thiệu việc làm mới, hỗ trợ người lao động trang trải cuộc sống.

LĐLĐ quận Gò Vấp cũng mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tặng cho nữ công nhân đang mang thai có hoàn cảnh khó khăn, dự kiến sinh trong tháng 9, 10 và 11. Là một trong 198 nữ công nhân bị mất việc làm tại Công ty Huê Phong, chị Hà Thị Hậu vui mừng khi được nhận thẻ bảo hiểm y tế vì giảm được một phần chi phí khi sinh con.

Ngoài ra, LĐLĐ quận Gò Vấp còn tặng học bổng học nghề Nguyễn Đức Cảnh (7 triệu đồng/suất) cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn để giúp họ có được nghề nghiệp trong tương lai. Theo bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, việc trao thẻ bảo hiểm y tế và học bổng học nghề là việc làm khá mới, nhưng rất thiết thực để người lao động ổn định cuộc sống.

" Đây là thời điểm hết sức khó khăn với người lao động trẻ. Vì vậy, ngoài các hoạt động Tiếp sức người lao động; Ngày hội tuyển dụng; giới thiệu việc làm trực tuyến…, các đơn vị thuộc Thành đoàn rà soát kỹ tình hình việc làm của đối tượng do đơn vị phụ trách. Qua đó, có phương án hỗ trợ việc làm cho từng đối tượng cụ thể như tân cử nhân, bộ đội xuất ngũ, thanh niên nông thôn hay những thanh niên công nhân vừa bị mất việc làm"

             NGÔ MINH HẢI, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM

Tin cùng chuyên mục