Diễn ngôn giản dị về nữ quyền

Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cho Nam Joo, bộ phim Kim Ji Young, sinh năm 1982 (chiếu tại các cụm rạp của Việt Nam từ ngày 1-11), có thể xem là một diễn ngôn giản dị nhưng thấm thía về bất bình đẳng giới. Sự bất bình đẳng này không chỉ diễn ra trong xã hội Hàn Quốc, mà là một thực tế tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Phim là câu chuyện về Kim Ji Young (Jing Yoo Mi đóng), một phụ nữ rất đỗi bình thường giống như bao người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc khác: được sinh ra, lớn lên đi học, đi làm rồi kết hôn. Tuy nhiên, cuộc sống của cô dần dần bộc lộ những bất ổn từ lúc sinh con. Cuộc sống đó tách biệt hẳn với đồng nghiệp, công sở, không còn được theo đuổi công việc yêu thích mà ngày qua ngày quẩn quanh với việc chăm con, dọn dẹp nhà cửa. Như nhiều phụ nữ khác, cô cũng gặp phải chứng trầm cảm sau sinh. 

Trước áp lực hiện hữu từ cuộc sống, từ hai bên gia đình, Kim Ji Young gần như mắc kẹt với hiện tại. Có đôi lúc, cô gắng gượng để được sống với hoài bão, ước mơ của mình nhưng sự gắng gượng đó đầy yếu ớt, lẽ dĩ nhiên không mang lại kết quả tốt cho cô. Hậu quả là cô dần đánh mất tiếng nói của mình. Một đôi lần, tiếng nói của cô hòa lẫn vào với những người phụ nữ khác như bà ngoại, mẹ, em gái hay một người bạn thân đã mất. 

Bên cạnh Kim Ji Young còn có người chồng rất mực yêu thương, thậm chí anh sẵn sàng nghỉ phép để ở nhà chăm sóc con cho vợ được đi làm trở lại. Tuy nhiên, mong muốn đó cũng không thể trở thành hiện thực bởi những ngăn trở hữu hình lẫn vô hình, mà ở đó, tiếng nói và vai trò của phụ nữ chỉ giữ một vị thế nhỏ bé, thậm chí không có quyền quyết định. 

Nhưng “mớ hỗn độn” trong tâm trí của Kim Ji Young không hẳn là kết quả của trầm cảm sau sinh, hay bị tước đi nguồn vui được làm công việc mình yêu thích; mà nguyên nhân sâu xa đến từ sự bất bình đẳng giới tồn tại rất lâu trong xã hội. Ở xã hội ấy, không riêng Kim Ji Young mà rất nhiều người phụ nữ khác cùng phải chịu những bất công đến vô lý.

Họ trở thành trò tiêu khiển trong các cuộc trà dư tửu hậu của nam giới, đầy giễu nhại và trào lộng. Họ cũng là nạn nhân của trò bỉ ổi trước những chiếc camera được gắn lén lút trong các nhà vệ sinh. Không riêng Kim Ji Young, mà trước đó nữa, mẹ cô cũng phải gác lại ước mơ làm cô giáo để lo cho các em ăn học. Và dai dẳng hơn cả, chính là định kiến trọng nam khinh nữ đã ăn sâu trong xã hội, từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Giống như rất nhiều bộ phim điện ảnh chuyên khai thác các vấn đề xã hội đương đại của Hàn Quốc, Kim Ji Young, sinh năm 1982 được làm một cách nhẹ nhàng, không lên gân nhưng giá trị và thông điệp của bộ phim lại khiến khán giả phải nhớ mãi. Phim giống như một cơ hội để tất cả cùng nhìn lại một cách đúng đắn về vị thế của người phụ nữ, để chia sẻ và yêu thương họ nhiều hơn bởi những gì mà họ đã và đang phải mang vác.

Tin cùng chuyên mục