Điều chỉnh tăng giá dịch vụ bảo hiểm y tế: Bệnh viện bớt khó, người bệnh thêm lo

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22/2023/TT-BYT (Thông tư 22) quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp. Nhiều dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá, giúp các bệnh viện tăng nguồn thu từ BHYT, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, nhưng người bệnh cũng thêm nhiều nỗi lo.

Điều chỉnh giá nhiều dịch vụ y tế

Trên tay hàng chục biên lai là khoản viện phí gần trăm triệu đồng mà chị Trương Dung Hạnh (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) phải đóng để phẫu thuật cho chồng bị gãy chân do tai nạn lao động, tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Chị Dung Hạnh cho biết, số tiền này chị tích góp sau nhiều năm làm công nhân, nhưng chỉ đủ chi trả đợt đầu. Mỗi lần giá dịch vụ y tế tăng là nỗi lo thêm chất chồng. Đợt trước tăng giá thuốc, nay lại tăng viện phí, mỗi đợt điều trị tốn cả chục triệu đồng nên chị chỉ biết cố gắng được đến đâu hay đến đó.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Đức Luận, Thông tư 22 có hiệu lực thi hành từ ngày 17-11, giá nhiều dịch vụ y tế của các bệnh viện cùng hạng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá khám bệnh ở các bệnh viện hạng đặc biệt như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế… đã tăng từ 38.700 đồng/lần lên 42.100 đồng/lần. Không chỉ các bệnh viện tuyến trung ương, mà giá khám bệnh tại trạm y tế xã cũng được nâng từ 27.500 đồng/lần lên 30.100 đồng/lần.

Trong khi đó, đối với bệnh viện hạng I, giá khám bệnh mỗi lần tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng; bệnh viện hạng II từ 34.500 đồng lên 37.500 đồng và bệnh viện hạng III từ 27.500 đồng lên 30.100 đồng. Cùng việc điều chỉnh giá khám bệnh, giá ngày giường điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng tăng theo quy định của Thông tư 22. Theo đó, giá giường bệnh hồi sức cấp cứu của bệnh viện hạng đặc biệt là 509.400 đồng/ngày (tăng 51.400 đồng); hạng I là 474.700 đồng/ngày (tăng 47.700 đồng); hạng II là 359.200 đồng/ngày (tăng 34.200 đồng)…; thấp nhất là giá giường bệnh tại trạm y tế xã có giá 64.100 đồng/ ngày. Với một số chuyên khoa sâu như ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc thì giá giường bệnh của các chuyên khoa này ở bệnh viện hạng đặc biệt có giá mới là 867.500 đồng/ngày (tăng 85.500 đồng).

Theo đánh giá của Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế BHYT trong Thông tư 22 được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương. Trong đó, chi phí trực tiếp gồm: quần áo, mũ, khẩu trang, ga gối đệm; điện, nước, chi phí vệ sinh; chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị... Chi phí tiền lương gồm: tiền lương theo ngạch bậc, phụ cấp do nhà nước quy định; phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo quyết định của Thủ tướng. Do đó, với mức điều chỉnh viện phí BHYT (tăng khoảng 10%) theo Thông tư 22 thì các bệnh viện có thêm nguồn thu từ BHYT để nâng chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh.

Phải nâng cao chất lượng dịch vụ

Dù nhiều dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá nhưng theo đại diện Bộ Y tế, Thông tư 22 không gây ảnh hưởng hay tác động đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội vì đây là nhóm đối tượng được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Với các đối tượng phải đồng chi trả 5%-20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì chịu tác động nhưng khoản tăng thêm không nhiều, họ có khả năng chi trả vì có thu nhập tăng theo lương cơ sở.

Chụp CT tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Chụp CT tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM

Qua ghi nhận tại các cơ sở y tế cho thấy, ngay sau khi Thông tư 22 có hiệu lực, nhiều bệnh viện đã áp dụng ngay giá dịch vụ y tế mới và triển khai các biện pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải cách thủ tục hành chính, giảm quá tải, phiền hà cho người bệnh. Lãnh đạo các bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, 115 cho rằng, Thông tư 22 được ban hành trên cơ sở mức lương cơ sở đã điều chỉnh từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng từ ngày 1-7-2023 và đây cũng là từng bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ.

Với Thông tư 22 thì từ trạm y tế xã cho tới bệnh viện ở các tuyến đều có thêm nguồn thu từ BHYT, đồng nghĩa có thêm kinh phí, nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và chuyên môn, người dân sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên. PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, dù giá nhiều dịch vụ y tế BHYT tăng nhưng về thực chất, người bệnh được lợi vì giá dịch vụ y tế điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ sẽ từng bước giảm chi “tiền túi” của người dân, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT; người dân đau ốm phải đi viện được coi trọng, được đặt đúng vị trí là người trả tiền cho các dịch vụ, còn bệnh viện là người phục vụ.

Thông tư 22 cũng điều chỉnh giá của khoảng 2.000 dịch vụ y tế, như: giá siêu âm đơn thuần theo quy định mới là 49.300 đồng/lần (giá cũ là 43.900 đồng), cao nhất là siêu âm trong lòng mạch hoặc đo dự trữ lưu lượng động mạch vành FFR có giá 2.023.000 đồng/lần (giá cũ là 1.998.000 đồng); giá chụp X-quang thường là 53.200 đồng/lần (giá cũ là 50.200 đồng); giá chụp CT Scanner 64 dãy đến 128 dãy có thuốc cản quang là 1.712.000 đồng/lần (giá cũ là 1.701.000 đồng).

Tin cùng chuyên mục