Sự quá tải của các bệnh viện là nguyên chính dẫn đến các sai sót cũng như tiêu cực. Nhiều giải pháp đã đặt ra, trong đó chú trọng phát triển thêm cơ sở y tế, tăng số giường bệnh. Tuy nhiên, giải pháp này không đơn giản do sự hạn chế của nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực.
Một kinh nghiệm ở nước ngoài trong việc điều hòa nguồn lực y tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe của người dân, không chỉ nằm ở cơ sở vật chất hoặc số giường bệnh mà còn ở cách thức tổ chức, triển khai các dịch vụ y tế. Trong khi, một yếu tố quan trọng trong việc giảm tải là thực hiện tối ưu hóa điều trị để tăng công suất hoạt động các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, xem ra còn nhiều hạn chế. Ví dụ, một bệnh nhân đến bệnh viện khám có thể phải chờ 6 giờ để hoàn tất, trong đó số thời gian thực sự tiếp xúc với dịch vụ y tế chỉ khoảng 1 giờ, bao gồm thử máu, X-quang, khám, mua thuốc… Một phòng khám gọi là “quá tải” với 600 người chen chúc nhau tại mỗi thời điểm. Nhưng nếu tổ chức tốt để rút 6 giờ xuống 1 giờ để chỉ chứa 100 người tại mỗi thời điểm, thì đó có còn là quá tải? Đây chỉ là một ví dụ nhưng không ai phủ nhận thời gian chủ yếu người bệnh đến với cơ sở y tế là “chờ”! Có rất nhiều cách để cắt giảm hoặc loại bỏ việc “chờ”. Trong đó, điều trị trong ngày là một trong các xu hướng nhiều triển vọng.
Điều trị trong ngày nhằm giảm nhu cầu nằm viện của bệnh nhân và giảm thời gian chờ đợi. Bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết, khi có kết quả, bệnh nhân gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị. Khi được chỉ định điều trị trong ngày, bệnh nhân đến trung tâm vào ngày hẹn, các can thiệp được thực hiện và bệnh nhân có thể ra về sau vài giờ theo dõi. Các chỉ định điều trị trong ngày dựa trên các kỹ thuật ít can thiệp như nội soi và X-quang do không chảy máu, thực hiện nhanh, chỉ cần gây tê tại chỗ hay gây mê tĩnh mạch (ít tai biến hay biến chứng). Các can thiệp thường dùng điều trị trong ngày đều là các kỹ thuật cao nên cần có các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Phạm vi áp dụng điều trị trong ngày cũng rất rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như chuyên ngành nội soi đều có thể được thực hiện trong ngày thay vì phải nằm chờ đợi tại các bệnh viện… Nói chung, xu hướng của y học hiện đại là ít xâm lấn và chú trọng bảo tồn tổ chức cơ thể để giữ được chức năng và sinh lý của người bệnh.
Điều trị trong ngày là mô hình điều trị chứ không phải là kỹ thuật điều trị. Mô hình này có những ưu điểm: Các trung tâm nhỏ được tổ chức linh hoạt giúp nhận và giải phóng bệnh nhanh, chi phí điều trị thấp, thời gian hồi phục nhanh, tối ưu hóa quy trình điều trị, hạn chế thời gian chờ, khai thác tốt các thiết bị và giường bệnh, góp phần chống quá tải và góp phần đưa các thành tựu của y học hiện đại đến với cộng đồng. Nhưng hạn chế: chỉ khu trú vào một số chuyên khoa và ứng dụng chuyên biệt, không thể nhận bệnh điều trị đại trà, không có khả năng điều trị toàn diện, cần phối hợp với bệnh viện tuyến trên để dự phòng khả năng có sự cố xảy ra.
Cho đến nay, mô hình điều trị trong ngày đã được ứng dụng rất rộng rãi trên thế giới. Các đơn vị nội soi (Endoscopy Centers) hoặc phẫu thuật trong ngày (Ambulartory Surgery Centers) có thể gặp ở mọi nơi. Trên thực tế, nhu cầu về các thủ thuật điều trị trong ngày ở thành phố rất lớn. Mỗi ngày, số lượng bệnh nhân nằm chờ tại các bệnh viện là một con số khổng lồ, trong khi họ hoàn toàn có thể can thiệp được theo mô hình trong ngày. Mặt khác, với mô hình nhỏ gọn và chuyên sâu, việc xây dựng những trung tâm điều trị trong ngày là một giải pháp thích hợp để tăng công suất hoạt động của ngành y tế mà không gây ra các ảnh hưởng khác về mặt xã hội. Bệnh viện trong ngày có thể nằm ở trung tâm thành phố, không gây ách tắc giao thông mà còn giải quyết được nhiều lợi ích cho người bệnh về thời gian, tiền bạc, sự đi lại và trực tiếp giảm tải cho các bệnh viện. Cần có sự thí điểm cụ thể để nhân rộng mô hình điều trị trong ngày.
HÒA BÌNH