Định cư ở nước ngoài, lãnh lương hưu ra sao?

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM trả lời thư bạn đọc về vấn đề định cư ở nước ngoài, lãnh lương hưu ra sao?
° Vợ chồng tôi hưởng chế độ hưu trí tại Việt Nam, nay chúng tôi đều đã 80 tuổi và muốn đi sống với con ở nước ngoài. Lương hưu của chúng tôi sẽ giải quyết như thế nào? (thiuyen201…@yahoo.com.vn) 
- Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Thông tư số 59/2015 của Bộ LĐTB-XH quy định, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng ra nước ngoài để định cư mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp một lần. Vợ chồng ông bà muốn ra nước ngoài sống với con (định cư), nếu có yêu cầu thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.
Trường hợp không muốn nhận một lần thì có thể ủy quyền cho người thân tại Việt Nam nhận thay.
° Tôi năm nay 40 tuổi, đã làm việc và đóng BHXH được 21 năm 5 tháng. Nếu tôi không làm việc nữa thì chế độ BHXH của tôi sẽ được giải quyết ra sao? (lethithuphuong1107…@gmail.com)
Luật BHXH quy định, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu nếu nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; hoặc nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, từ năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện nghỉ sớm. Sau đó, mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện nghỉ. Với người bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, thì mốc tuổi đời để được nghỉ sớm là nam đủ 50, nữ đủ 45. Hoặc, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, xin lưu ý bà là mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
Đối chiếu quy định trên, bây giờ bà chưa đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu. Nếu bà tiếp tục tham gia BHXH thì được cộng nối với thời gian đóng BHXH đã được bảo lưu trước đó để hưởng chế độ hưu trí khi bà đủ điều kiện về tuổi. Nếu bà không tiếp tục tham gia BHXH nữa thì bà có thể chốt sổ BHXH để đó, rồi trong một tháng trước ngày đủ điều kiện tuổi đời nghỉ hưu, bà ghé cơ quan BHXH để làm thủ tục hưởng hưu trí.
° Tôi là nữ, tháng 9-2018 tôi tròn 55 tuổi. Hiện nay, tôi đóng BHXH được 19 năm 2 tháng. Tôi nghe nói từ năm 2018, chính sách hưu trí có thay đổi. Trong trường hợp tôi nghỉ việc bây giờ, thì tôi còn thiếu 1 tuổi và 10 tháng đóng BHXH nữa mới đủ điều kiện nghỉ hưu. Vậy, tôi có thể nghỉ bây giờ và đóng BHXH tự nguyện một lần 10 tháng để hưởng ngay lương hưu trước năm 2018 được không? (Bạn đọc có số điện thoại 0907.75…)
° Theo Luật BHXH, trong trường hợp người tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ 20 năm và sau đó tham gia BHXH tự nguyện để đủ 20 năm đóng BHXH thì không được nghỉ hưu trước tuổi (các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi gồm: suy giảm sức khỏe; điều kiện làm việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…). Cụ thể với bà, thời gian đóng BHXH bắt buộc chưa đủ 20 năm nên không thuộc đối tượng nghỉ hưu trước tuổi. Do đó, bà phải chờ đến khi đủ 55 tuổi mới đủ điều kiện hưởng lương hưu. 
Về chính sách hưu trí, từ năm 2018, cách tính mức hưởng lương hưu có sự thay đổi so với hiện nay. Cụ thể, từ ngày 1-1-2018, lao động nữ đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng BHXH tương ứng với 15 năm đầu đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% (hiện nay là 3%/năm); mức tối đa bằng 75%. Giả sử bà có đủ 20 năm đóng BHXH và đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017 thì tỷ lệ lương hưu là 60%, còn nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì tỷ lệ lương hưu là 55%.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 091 444 6618, email: duongloan@sggp.org.vn 

Tin cùng chuyên mục