Đời sống văn hóa - tinh thần của công nhân KCN-KCX

Doanh nghiệp địa phương, đoàn thể cùng chăm lo

Doanh nghiệp địa phương, đoàn thể cùng chăm lo

TPHCM với 14 khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN), thu hút khoảng 18.000 công nhân, phần lớn còn trẻ đến từ các tỉnh. Bên cạnh đời sống vật chất khá bấp bênh do đồng lương thấp, xa gia đình… thì đời sống văn hóa - tinh thần của họ như thế nào? Cuộc hội thảo “Đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân các KCX-KCN tại TPHCM” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức ngày 17-12 vừa qua đã phần nào phác họa những vấn đề vừa nêu.

  • Ăn ở khiêm tốn, giải trí đơn giản

Theo điều tra của TS Phạm Đình Nghiệm (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), tổng thu nhập bình quân của công nhân (bao gồm lương, tăng ca, các chế độ khác…) gần 1,1 triệu đồng mỗi người một tháng, trong đó thu nhập bình quân của công nhân nữ thấp hơn công nhân nam khoảng 200 ngàn đồng. Trong khi đó, hầu hết những công nhân từ các tỉnh có rất nhiều khoản cần thiết phải chi tiêu hàng ngày như ăn uống, thuê nhà, cưới hỏi, bạn bè…, bình quân mỗi tháng hết hơn 700 ngàn đồng.

Doanh nghiệp địa phương, đoàn thể cùng chăm lo ảnh 1

Một buổi chợ chiều của công nhân KCN Tân Tạo. Ảnh: Việt Dũng

Những năm gần đây vật giá luôn tăng cao nhưng theo một số đại biểu, 8 năm qua lương của công nhân gần như giậm chân tại chỗ. Chính vì thế, họ hạn chế tối đa trong chi tiêu để dành dụm cho bản thân và gửi tiền về quê giúp đỡ gia đình. Diện tích nơi ở của công nhân bình quân chỉ trên dưới 2 m2/người, chi cho ăn uống khoảng 300 ngàn đồng/tháng…

Theo khảo sát, tuổi công nhân từ 18 đến 30 chiếm hơn 92%, vì vậy nhu cầu giải trí văn hóa - tinh thần của họ rất lớn và phong phú. Nhưng do lương thấp, đời sống vật chất khó khăn nên đời sống văn hóa - tinh thần của công nhân cũng không khá hơn.

Ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bao bì Thành Đạt cho biết, qua khảo sát công nhân làm việc tại công ty này cho thấy, sau giờ làm việc, ăn uống xong họ thường nằm nhà để nghe nhạc từ máy cassette, một số khác vô quán ngồi nhâm nhi ly cà phê xem phim, khi nhận lương sau khi dành cho các khoản chi phí cần thiết họ lại “tự thưởng” với nhau bằng một bữa nhậu bình dân…

Trong khi đó, một doanh nghiệp tại quận 2 chuyên sản xuất bao bì với phần lớn là công nhân nữ, vào dịp lễ 30-4 thường tổ chức “ngày hội trang phục người lao động” cho nữ công nhân. Tại ngày hội này các cô được đăng ký dự thi trang phục mà mình thích nhất, trả lời những kiến thức về công việc, cuộc sống bình thường hàng ngày.

Ban giám đốc chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất để trao giải thưởng. Ông Đạt cho biết, trong lúc các doanh nghiệp cùng ngành nghề rất lao đao về nhân công, nhưng công ty này không mất một người. “Bí quyết là họ biết tạo ra được một sân chơi lành mạnh cho công nhân, một nhu cầu cần thiết và chính đáng”.

  • Cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền

Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp có suy nghĩ: quan hệ giữa doanh nghiệp và công nhân chỉ thuần túy là “công việc và tiền lương” mà ít chú ý đến đời sống tinh thần của họ. Rất hiếm doanh nghiệp nào để ý công nhân của mình sau giờ làm việc nghỉ ngơi, giải trí như thế nào, không tổ chức cho công nhân đi chơi vào các dịp lễ, Tết…

Bên cạnh đó, xung quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp rất hiếm điểm vui chơi giải trí một cách lành mạnh. Vì thế, đời sống văn hóa - tinh thần của công nhân vốn đã hạn chế lại càng hạn chế hơn. Theo ông Võ Trung Tâm (Sở LĐTB-XH TPHCM), để nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần cho công nhân cần có chủ trương chính sách đồng bộ và quyết tâm của các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là sự quyết tâm của cơ quan quản lý và người sử dụng lao động.

PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng đề xuất, các phường xã nên coi công nhân cư trú trên địa bàn là thành viên của địa phương, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động của xã phường như mọi công dân khác. Công nhân là lực lượng có tiềm năng, họ có thể tham gia cùng với thanh niên địa phương như thi đấu thể thao, điền kinh, phong trào bảo vệ an ninh, đồng thời họ có nghĩa vụ, quyền lợi tham gia và đóng góp cho địa phương.

Tổ chức Đoàn TNCS, Công đoàn tại các nhà máy xí nghiệp có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên trong thời gian qua, những tổ chức này chưa thực sự phát huy vai trò của mình để nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần cho công nhân, thậm chí còn thiếu hợp tác với cấp trên trong vấn đề này.

Trong năm 2005, Thành đoàn TNCS TPHCM đã tổ chức một số hoạt động văn hóa - tinh thần cho công nhân như chiếu phim lưu động, hát cùng công nhân, giao lưu với các văn nghệ sĩ… bước đầu đã giải tỏa “cơn khát văn hóa” của thanh niên công nhân.

Bên cạnh đó một số mô hình giải trí tự phát như “câu lạc bộ hát với nhau”, “câu lạc bộ những người bạn”… cũng đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, anh Hồ Xuân Lâm, Trưởng ban Công tác ngoài quốc doanh thuộc Thành đoàn TNCS TPHCM cho rằng, quy mô công nhân ngày càng tăng, do vậy, Thành đoàn không thể đáp ứng hết nhu cầu giải trí của công nhân mà cần có sự phối hợp tích cực từ các doanh nghiệp. 

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục