Doanh nghiệp gặp khó khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu

Ngày 27-11, tại TPHCM, Bộ Công thương đã tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Châu Âu với chủ đề "Phát triển bền vững - Đích đến trong hành trình kiến tạo chuỗi giá trị tương lai".

Theo đó, nhiều đại diện doanh nghiệp tham dự cho biết, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Châu Âu ngày càng khó do các nước liên tục ban hành và áp dụng rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn mới, vượt khả năng đáp ứng của doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết, hàng loạt các quy định đáng lưu ý như Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD)... đã và sẽ áp dụng, được nhận định sẽ tác động đáng kể đến các hoạt động giao thương của doanh nghiệp hai nước, đồng thời buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi sản xuất để tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới tại thị trường này. Tuy nhiên, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, nội lực vốn mỏng, doanh nghiệp nội khó xoay sở để chuyển đổi sản xuất nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật mới này.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ chia sẻ những rào cản kỹ thuật mới mà thị trường EU áp dụng

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ chia sẻ những rào cản kỹ thuật mới mà thị trường EU áp dụng

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện việc tiếp cận và mở rộng thị phần tại EU tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn. Mặt khác, xu hướng áp dụng tiêu chuẩn về khí hậu, môi trường, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững ngày càng chặt chẽ hơn cũng đặt ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này đã giảm mạnh hơn 2 con số, tập trung vào nhóm ngành hàng như điện thoại, máy tính, dệt may, da giày, trang thiết bị máy móc… Dự báo, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng này sẽ tiếp tục đà giảm trong những tháng cuối năm do hoạt động kinh tế khu vực EU chưa phục hồi. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang tác động mạnh đến toàn bộ nền kinh tế EU, làm giảm nhu cầu tín dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng và đầu tư.

Các chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận về giải pháp vượt rào cản kỹ thuật để xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Châu Âu tại diễn đàn
Các chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận về giải pháp vượt rào cản kỹ thuật để xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Châu Âu tại diễn đàn

Ngược lại, với nhóm hàng nông sản thì thị trường EU ghi nhận mức tăng trưởng khá khả quan. Ngoài ra, đồng Euro tăng giá khoảng 3,5% lên gần 1,1USD đổi 1 Euro và tăng 17% so với thời điểm hai đồng tiền này ngang giá vào tháng 9-2022. Điều này cũng đem lại những thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này khi tỷ giá EUR/VND tăng gần 3,4% từ đầu năm. Do vậy, doanh nghiệp ngoài những nỗ lực chuyển đổi sản xuất để đáp ứng rào cản kỹ thuật mới của thị trường EU, cần linh hoạt trong đàm phán đồng tiền thanh toán để tăng giá trị cho đơn hàng xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục