Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước (đang cập nhật)

Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước (đang cập nhật)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

(SGGPO).- Sáng nay 29-4, tại TPHCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ muốn đưa ra tại hội nghị lần này đó là: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp. Ảnh Cao Thăng 

Theo thông tin từ ban tổ chức, hội nghị được thực hiện vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Tại điểm cầu Hội trường Thống nhất TPHCM có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như: AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… tham dự. Ngoài ra, mỗi điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước có khoảng 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp tham dự.

Theo chương trình nghị sự, trong ngày hôm nay, Thủ tướng và các lãnh đạo bộ ngành, địa phương sẽ có cuộc họp để bàn bạc, giải quyết tiếp những vấn đề còn tồn tại được nêu tại hội nghị.

Trước đó, tại cuộc họp báo giới thiệu về Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp coi Hội nghị với Thủ tướng là một “hội nghị Diên Hồng” trong phát triển doanh nghiệp.

Thủ tướng tiếp xúc đại biểu trước giờ khai mạc Hội nghị. Ảnh: Cao Thăng

8 giờ 30 - Mở đầu hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, tuy Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tháo gỡ, nhưng thực tế vẫn chưa được nhiều, vẫn còn những rào cản lớn với doanh nghiệp. Do đó, Thủ tướng cho biết, cuộc gặp lần này, là để lắng nghe, cùng tháo gỡ với doanh nghiệp để phát triển đất nước. “Cuộc gặp lần này phải thực chất, có ích cho tổ quốc và doanh nghiệp. Tránh bệnh hình thức, gặp là phải lắng nghe và thực hiện” – Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu, sau khi nghe vướng mắc kiến nghị của doanh nghiệp thì các lãnh đạo bộ ngành phải phát biểu rõ ràng về việc tháo gỡ, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

9 giờ - Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:

Lấy năm 2016 là năm Doanh nghiệp hội nhập

Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã ghi nhận rất nhiều ý kiến từ doanh nghiệp và cũng đã tổng hợp báo cáo, kiến nghị đề xuất, hiến kế với Thủ tướng những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp và bước đầu đã được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo, kịp thời giải quyết những việc “nóng”.

Nhân dịp gặp gỡ hôm nay, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ đặc biệt quan tâm những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp đó là:

1. Tập trung quán triệt đầy đủ tinh thần, nội dung của Nghị quyết 09 ngày 9-12-2011 của Bộ Chính Trị (Khóa XI) về việc xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời ký Công nghiệp hóa - Hiện đại háo và hội nhập quốc tế. Đây là nghị quyết làm cho dân giàu nước mạnh… Vì vậy Đảng và Chính phủ cần quán triệt cho cả hệ thống chính trị để nhận thức lại về vai trò, nhiệm vụ của doanh nhân trong thời kỳ Công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế.

Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước (đang cập nhật) ảnh 3

Đông đảo doanh nghiệp trông đợi quyết tâm cải cách của người đứng đầu Chính phủ. Ảnh Cao Thăng

2. Lấy năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 là năm “Doanh nghiệp hội nhập”. Theo đó, tập trung xây dựng và phát triển doanh nghiệp, chú trọng doanh nghiệp – khởi nghiệp đưa tổng số gần 2 triệu doanh nghiệp/ 90 triệu dân đến cuối năm 2020 (bình quân hiện nay chưa đến nửa triệu doanh nghiệp), tức chưa đạt 2%doanh nghiệp /dân số vào cuối năm 2020. Đây là giải pháp làm cho dân giàu nước mạnh, xóa đói giàm nghèo bền vững nhất. Cụ thể, nếu chúng ta phát triển được 100.000 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp giải quyết được 10 lao động thì chúng ta giải quyết được 1 triệu người có việc làm. Cứ thế, chúng ta sẽ có đà tăng tiếp theo số lượng doanh nghiệp phát triển, người có việc làm tăng lên. Ngược lại, Nhà nước còn thu được nhiều khoản khác như: thuế, GDP, kim ngạch xuất - nhập khẩu...

Tập trung tháo gỡ cơ chế chính sách, cải cách thể thế kinh tế, cải cách hành chính thật mạnh mẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, an toàn, hiệu quả nhất. Nếu cơ chế chính sách nước ta không tốt hơn các nước mà Việt Nam đã tham gia ký kết thì cũng đừng xấu hơn như thuế, hải quan thông quan, visa, về vốn - lãi suất và nhiều thủ tục hành chính khác ... tạo điều kiện cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhà nước có cạnh tranh vĩ mô, doanh nghiệp cạnh tranh vi mô thì mới thắng được.

Tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam có tới 97%-98% doanh nghiệp loại này. Quan tâm xây dựng thương hiệu mới, giữ vững thương hiệu cũ, cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh.

Kiến nghị Quốc hội sớm ban hành luật hoạt động cho các tổ chức Hội và quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức Hội, Hiệp hội đại diện của doanh nghiệp – doanh nhân hoạt động, làm cầu nối, là cách tay nối dài của Đảng, Chính phủ và doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm xây dựng mái nhà chung cho doanh nghiệp, đó là các Hội, Hiệp hội Doanh nghiệp, Doanh nhân...

  Ái Vân - Hương Giang

Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước (đang cập nhật) ảnh 4

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục