Doanh nghiệp lao đao vì thi hành án quá lâu

Mặc dù được UBND tỉnh Khánh Hòa nhiều lần chỉ đạo nhưng Công ty TNHH Chế biến thủy sản Cam Ranh (Cam Ranh Seafoods) không thể tiếp tục xin gia hạn thuê đất do giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất đã hết hạn, mà GCN này đang bị ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) giữ.

Công ty Cam Ranh Seafoods chưa thể gia hạn sử dụng đất do sổ đỏ đang bị "ngâm" trong ngân hàng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Công ty Cam Ranh Seafoods chưa thể gia hạn sử dụng đất do sổ đỏ đang bị "ngâm" trong ngân hàng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Thi hành án quá lâu

Như SGGP đã nhiều lần phản ánh, việc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Cam Ranh (Cam Ranh Seafoods) không thể tiếp tục xin gia hạn thuê đất do giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất số T 00121QSDĐ/KH (đã hết hạn vào tháng 2-2022). Lý do, giấy chứng nhận này đang bị ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) giữ. Đến ngày 22-11-2022, Agribank Khánh Hòa đã giao GCN này cho Cục Thi hành án dân sự Khánh Hòa (CTHADS Khánh Hòa) để thi hành án theo bản án của tòa.

Ông Võ Ngọc Hiệp, Giám đốc Cam Ranh Seafoods, cho biết: “Chúng tôi đưa GCN cho Agribank Khánh Hòa giữ nhằm tạo niềm tin khi thế chấp tài sản trên đất chứ không thế chấp GCN này. Việc thi hành án quá lâu khiến GCN hết hạn, chúng tôi đã nhiều lần xin mượn lại GCN để gia hạn thuê đất theo quy định rồi đưa lại GCN mới cho ngân hàng giữ, đến khi nào CTHADS Khánh Hòa ban hành thông báo bán đấu giá tài sản thì Agribank Khánh Hòa hoàn trả lại cho Cam Ranh Seafoods nhưng không được Agribank Khánh Hòa hợp tác. Và mặc dù Cục THADS Khánh Hòa đã có ý kiến trả lời Agribank Khánh Hòa tại công văn số 1551 ngày 24-8-2021: “Trường hợp Công ty chỉ thực hiện đăng ký biến động đất đai trên GCN QSDĐ và gia hạn sử dụng đất thì không gây trở ngại cho việc kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Ngân hàng và Công ty tự thỏa thuận để có phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của các bên theo quy định của pháp luật”.

Trong công văn số 1348 vào ngày 13-6-2023, Cục THADS Khánh Hòa gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa, nêu: “Cục THADS đề nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT xem xét gia hạn quyền sử dụng đất tại Nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh để việc đảm bảo giá trị tài sản của Công ty TNHH Chế biến thủy sản Cam Ranh đang kê biên, xử lý thi hành án và giá trị thu hồi nợ của ngân hàng. Đồng thời tạo điều kiện cho người mua được tài sản tại Nhà máy tiếp tục đầu tư, duy trì sản xuất kinh doanh”.

Theo ông Võ Ngọc Hiệp: “Rõ ràng là GCN hết hạn mà chưa thể gia hạn do quá trình thi hành án kéo dài hơn 5 năm. Cục THADS Khánh Hòa cũng nhận thức được tài sản trên đất được “đảm bảo giá trị” khi GCN còn hạn. Thi hành án chậm nhưng Cục THADS Khánh Hòa lại “ra điều kiện” thật vô lý với UBND tỉnh và Sở TN-MT là phải “có yêu cầu” thì mới giao GCN”.

Cam Ranh Seafoods đã rất nhiều lần báo cáo vụ việc đến Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa. Gần đây nhất, ngày 28-8-2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo số 8519/UBND-XDNĐ yêu cầu CTHADS Khánh Hòa giải quyết, nhưng đến nay việc gia hạn sử dụng đất của Cam Ranh Seafoods vẫn chưa có kết luận.

Quyền sử dụng đất bị cưỡng đoạt?

Theo thông báo số 2761 ngày 14-11-2023 của Cục THADS Khánh Hòa về việc bán đấu giá tài sản của Công ty Cam Ranh Seafoods, tại trang 4, mục b.3 Cục THADS Khánh Hòa khẳng định: “Tài sản là bán tháo dỡ các công trình xây dựng gắn liền trên diện tích đất thuê trả tiền hàng năm. Không bán đấu giá quyền sử dụng đất, chỉ bán đấu giá tài sản trên đất". Tại thông báo bổ sung, sửa đổi 2802 ngày 17-11-2023 của Cục THADS Khánh Hòa về bán đấu giá tài sản cũng lưu ý: "chỉ bán đấu giá tài sản gắn liền với đất".

404668891-2302951913237365-5611105306503223452-n-1138-7820.png
Nhà máy Công ty Cam Ranh Seafoods. Ảnh: MT

Như vậy đã rõ, qua việc chỉ bán đấu giá tài sản trên đất đã cho thấy Agribank Khánh Hòa và Cục THADS Khánh Hòa cố tình giữ bản gốc GCN của doanh nghiệp là không có căn cứ liên quan đến thi hành án. Thế nhưng, đến thời điểm này Agribank Khánh Hòa vẫn không trả lại bản gốc GCN cho Cam Ranh Seafoods.

Cụ thể tại công văn 2866 ngày 16-11-2023 của Agribank Khánh Hòa do ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc ký gửi Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, Cục THADS Khánh Hòa và CamRanh Seafoods, khẳng định rằng ngân hàng lưu giữ bản gốc GCN là theo thỏa thuận giữa hai bên. Thỏa thuận này giữa hai bên được Agribank nhắc đến đó là hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất số 02.HIEP.CTĐ/TC ngày 30-12-2009.

Theo tài liệu chúng tôi có được, hợp đồng số 02.HIEP.CTĐ/TC ngày 30-12-2009 được công chứng vào ngày 1-2-2010 tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Khánh Hòa, chỉ công chứng nội dung “Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất”, không bao gồm thế chấp quyền sử dụng đất. Hợp đồng này cũng đã sửa đổi, bổ sung bởi phụ lục hợp đồng thế chấp số 01/02.HIEP.CTĐ/PL ngày 29-8-2012. Theo phụ lục hợp đồng này tài sản thế chấp cũng không có quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, phụ lục hợp đồng số 01/02.HIEP.CTĐ/PL đã không được Agribank Khánh Hòa thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm. Mặt khác, hợp đồng số 02.HIEP.CTĐ/TC ngày 30-12-2009, tại Yêu cầu số 02 YC/VKS-P8 ngày 3-11-2020 của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã xác định Hợp đồng này “không có hiệu lực pháp luật” và yêu cầu CTHADS Khánh Hòa kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 11/2018/ KDTM-PT ngày 25-5-2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

“Vì Agribank là ngân hàng có vốn sở hữu của Nhà nước, nên Cam Ranh Seafoods chấp nhận giao tài sản của Hợp đồng số 02.HIEP.CTĐ/TC để Agribank kê biên, bán đấu giá thu hồi nợ một cách êm đẹp, nhằm tránh thất thoát tài sản Nhà nước. Nhưng không có nghĩa rằng trách nhiệm gây thất thoát tài sản Nhà nước của lãnh đạo Agribank Khánh Hòa được bỏ qua. Bởi lẽ, mọi công dân, tổ chức, cơ quan… đều phải có nghĩa vụ bảo vệ tài sản của Nhà nước. Việc Agribank Khánh Hòa cố tình không trả lại bản gốc GCN là hành vi cưỡng đoạt quyền được gia hạn đất hay đúng hơn là cưỡng đoạt quyền sử dụng đất của CamRanh Seafoods. Hiện nay tôi đang hoàn tất hồ sơ để tố cáo lên cơ quan chức năng”, ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Cam Ranh Seafoods - cho hay.

Tin cùng chuyên mục