Doanh nghiệp xoay xở “vượt bão” lãi suất

Trước áp lực lạm phát toàn cầu tăng cao, đồng USD lên giá mạnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất. Nhu cầu vốn tăng cao vào dịp cuối năm do nhu cầu vay kinh doanh, tiêu dùng, trả lương, thưởng, nhưng tín dụng eo hẹp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải xoay xở đủ đường.
Công nhân Công ty Makino chế tạo chi tiết động cơ công nghiệp tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công nhân Công ty Makino chế tạo chi tiết động cơ công nghiệp tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Khó ghìm lãi vay tăng

Trong vòng hơn 1 tháng, NHNN đã tăng lãi suất điều hành 2 lần, trong đó có điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tối đa VND cho các kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng lên tổng cộng 2 điểm % nên lãi suất tiền gửi trên thị trường đang tăng mạnh.

Động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN đã nhanh chóng lan tỏa đến lãi suất huy động toàn bộ ngân hàng thương mại (NHTM), kể cả các NHTM Nhà nước (Big 4). Mức lãi suất cao nhất của nhóm ngân hàng này đã tăng lên 7,4%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ghi nhận trên thị trường cho thấy, lãi suất huy động được công bố chính thức cao nhất lên đến 9,3% tại SCB, thậm chí trước đó ngân hàng số Cake by VPBank huy động tiền gửi ở mức 9,5% dù chỉ trong thời gian ngắn.

Lãi suất đầu vào ngày một tăng ngay cả khi các ngân hàng khó đẩy mạnh cho vay vì room (hạn mức) tín dụng hạn chế. Thực tế số liệu từ NHNN cho thấy, tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại trong những tháng gần đây nhưng đã cao hơn gấp đôi so với tăng trưởng huy động vốn. Tính đến ngày 28-9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%, trong khi nhu cầu tín dụng dự báo sẽ còn tăng cao những tháng cuối năm. Dù vậy, NHNN vẫn kiên định giữ tăng trưởng cho vay chỉ ở mức 14% trong năm nay.

Lãnh đạo một NHTM trong Big 4 nhìn nhận, việc ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay 1-2%/năm hiện rất khó vì mặt bằng huy động lãi suất từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 3%/năm. Do các dự án đầu tư công giải ngân chậm khiến nguồn vốn đưa vào được nền kinh tế thấp. Điều này dẫn đến nguồn vốn huy động ngân hàng giảm, nền kinh tế thiếu vốn đầu tư, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. 

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng mạnh, NHNN cần nhanh chóng phối hợp với các bộ ngành triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay. Bởi lẽ, gói hỗ trợ này đã được triển khai từ lâu nhưng đến nay dư nợ cho vay mới đạt khoảng 14-15 tỷ đồng trong gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Trong khi đó, gói hỗ trợ này được ví như “nguồn máu” giúp DN kịp thời phục hồi.

Doanh nghiệp xoay xở “vượt bão” lãi suất ảnh 1 Các ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chật vật xoay xở

Góp phần không nhỏ cho nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, lĩnh vực du lịch được kỳ vọng khá lớn. Lượng khách du lịch tăng trở lại thì khó khăn về vốn lại xảy ra. Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, chia sẻ, DN du lịch chủ yếu vay tín chấp, hiện tại gần như không thể vay ngân hàng. Do vậy, DN đã chủ động tự xoay trở nguốn vốn, huy động từ cán bộ, nhân viên hoặc dựa vào uy tín cá nhân lãnh đạo để vay, hỗ trợ công ty hoạt động. DN cũng đang đợi kết quả kinh doanh khả quan của quý 3-2022 để lập báo cáo gửi ngân hàng, hy vọng được xét duyệt cho vay để có nguồn vốn xoay xở đón du khách vào các dịp cao điểm sắp tới.

Hoạt động trong lĩnh vực mật ong, tinh bột nghệ, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết, từ đầu năm đến nay, DN vẫn giữ mức giá bán sản phẩm ổn định, tức là phải bù lỗ vào những phần tỷ giá USD tăng hoặc vay ngân hàng với lãi suất cao. Nhưng trong giai đoạn sắp tới, DN phải nghiên cứu điều chỉnh giá bán phù hợp, có thể tăng giá 5-10% so với hiện tại. Khi tăng như vậy, người tiêu dùng phải mua sản phẩm với giá cao hơn, nên ảnh hưởng đến sức mua, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của DN, vì số lượng bán ra không như mong muốn.

“Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, chúng tôi thường sử dụng vốn vay ngân hàng 30-50 tỷ đồng, nhưng nay chỉ vay được khoảng 3 tỷ đồng, lãi suất từ 12%/năm. Để bù đắp phần thiếu hụt còn lại, các cổ đông trong công ty phải huy động vay cá nhân”, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ nói.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, đây là giai đoạn cao điểm DN phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất, mới đây, Sở Công thương các tỉnh đã họp bàn với các DN về việc tăng nguồn hàng dự trữ lên 40-60% nhằm chủ động nguồn hàng cung ứng trong đợt cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán 2023. Ngoài việc triển khai sớm hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị quyết 11/NQ-CP, cần nới lỏng điều kiện cho vay để các DN bổ sung vào nguồn vốn lưu động, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các NHTM cần thực hiện đồng bộ các chính sách khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ - bao gồm cả nợ gốc và lãi tới hạn để hỗ trợ DN hoạt động tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục