Đọc sách để ươm mầm tương lai

Mở đầu cho Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 tại TPHCM, chương trình giao lưu với chủ đề “Tri thức ươm mầm tương lai” được tổ chức vào ngày 17-4, thu hút hơn 300 học sinh tiểu học trên địa bàn quận 1 tham dự.

Khách mời của chương trình “Tri thức ươm mầm tương lai” gồm: nhà văn Phương Huyền, nhà báo Trung Nghĩa, em Bùi Lưu Bảo Khánh (học sinh lớp 9/9, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp) và Huỳnh Anh Thư (học sinh lớp 8/3, Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp). Đây là các Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2023-2024 và nhiệm kỳ 2024-2025.

Thuộc thế hệ 7X và 8X, nhà báo Trung Nghĩa và nhà văn Phương Huyền có chung hoàn cảnh khi cùng trải qua giai đoạn thiếu nhi thiếu sách. Tuy nhiên, đó cũng là giai đoạn mà các phương tiện giải trí chưa nở rộ như bây giờ nên việc đọc sách được tập trung sâu hơn. Chính nhờ đọc sách từ nhỏ, đã đưa cả hai trở thành nhà báo và nhà văn sau này.

IMG_3587.jpg
Các khách mời tại chương trình. Từ trái qua: nhà báo Trung Nghĩa, em Huỳnh Anh Thư, em Bùi Lưu Bảo Khánh và nhà văn Phương Huyền

Nhà báo Trung Nghĩa cho rằng, việc đọc sách mang đến nhiều lợi ích như giải trí, cập nhật kiến thức, giúp hình thành nhân cách. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là sự phong phú về vốn từ, giúp cho việc học văn, giao tiếp trở nên tốt hơn. “Khi chúng ta muốn ba mẹ mua cho một món đồ hay giúp mình một điều gì đó, nếu chúng ta đọc nhiều sách, biết cách thuyết phục thì mọi việc sẽ rất dễ dàng. Vậy nên, đừng quên nhờ ba mẹ mua sách cho mình đọc nha!”, nhà báo Trung Nghĩa nhắn nhủ.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, cả Anh Thư và Bảo Khánh cũng như các bạn trẻ hiện nay tìm đến những kênh sách nói, truyện online, ebook để đọc sách mọi lúc mọi nơi. Anh Thư chia sẻ: “Đối với quá trình đọc sách hiện tại của tụi con đã dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu mỗi bạn đều cầm theo một quyển sách khi ra đường sẽ hơi cồng kềnh. Bởi vậy, có một hình thức là tải một ứng dụng đọc sách online về điện thoại. Mỗi lần ra đường, chỉ cần mang theo điện thoại để khi rảnh thì lấy điện thoại ra đọc, có thể đọc ở bất cứ nơi nào”.

Từng tham gia nhiều hoạt động khuyến đọc trong trường học, nhà văn Phương Huyền lưu ý về việc nghe sách nói. Bởi theo chị, ngoài những bạn đã có khả năng kiểm soát, đã biết mục tiêu của mình là gì và cần đọc cái gì ở trên thiết bị thông minh thì với số đông học sinh đang khá loay hoay về việc này.

Nhà văn Phương Huyền lý giải: “Các bạn đang bị công nghệ lấn át, xem quá nhiều những video ngắn qua TikTok khiến bị ảnh hưởng, không tập trung suy nghĩ được. Không phải bạn nào khi cầm điện thoại là nghe podcast hay chọn những đầu sách hay trên các trang sách nói để nghe. Vậy nên, với các bạn học sinh, tôi khuyến khích các bạn đọc sách giấy nhiều hơn. Đặc biệt là với những bạn mới đọc sách, hãy bắt đầu bằng những cuốn sách giấy, cùng lựa chọn và đọc sách cùng ba mẹ".

Tin cùng chuyên mục