Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước diễn ra chiều 9-9, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị tổ chức đối thoại văn hóa định kỳ trên các phương tiện truyền thông.
Dự hội nghị còn có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng đại diện các sở ngành, quận huyện, các Hội văn học nghệ thuật TP…
Trình bày báo cáo tại hội nghị, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân TP về vai trò của văn hóa được nâng lên. Truyền thống yêu nước, đoàn kết sáng tạo của thành phố tiếp tục được bồi đắp, phát huy. Đức tính nghĩa tình từng bước trở thành nét văn hóa phổ biến, đặc trưng của người dân. Hoạt động văn học nghệ thuật phong phú, sôi động, có nhiều sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được củng cố, các chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ được cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện và cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những hạn chế yếu kém. Đáng chú ý là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh đã xâm nhập, làm xói mòn, phai nhạt giá trị truyền thống. Đầu tư cho thiết chế văn hóa còn chưa đúng mức. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa có lúc, có nơi còn chạy theo thành tích, hình thức.
Nguyên nhân chủ quan là nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa và nhiệm vụ xây dựng văn hóa con người theo tinh thần Nghị quyết 33 trong các cấp ủy và cán bộ đảng viên chưa đầy đủ, sâu sắc. Quản lý văn hóa có lúc có nơi còn thiếu chủ động, thậm chí buông lỏng, công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ làm công tác văn hóa còn bất cập…
Phê phán mạnh mẽ tham nhũng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, văn hóa là một trong ba yếu tố chính để định vị một quốc gia, một địa phương bên cạnh yếu tố về thể chế chính trị, kinh tế.
Đề cập đến nguyên nhân của sự suy thoái về đạo đức, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những hành vi suy thoái đạo đức đã không bị lên án đủ mức, chế tài đủ mức nên người ta dám làm. Theo đồng chí, nếu xã hội lên án thường xuyên và biết sẽ bị chế tài thì người ta sẽ phải cân nhắc trước khi vi phạm. Chẳng hạn như hối lộ, tham nhũng chính là suy thoái đạo đức, nếu lên án đủ mạnh, chế tài đủ mạnh thì có thể góp phần ngăn lại được. Trong việc lên án, phê phán này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh vai trò của báo chí, của văn học.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân về sự thay đổi của điều kiện sống khiến những vi phạm đạo đức che giấu dễ hơn và do giáo dục chưa đủ rộng đủ sâu để tôn trọng các giá trị văn hóa đạo đức. Phim ảnh, trò chơi điện tử mang tính bạo lực khiến người ta ở trong trạng thái sẵn sàng có hành vi bạo lực. Trong khi đó, những hoạt động về văn học nghệ thuật vốn góp phần hình thành, hun đúc nên tâm hồn, tính cách con người thì lại chưa được phát triển đầy đủ.
Đồng chí gợi ý một số nội dung đối thoại. Đó là giáo dục và văn hóa. Đối thoại bàn về các điều kiện để hoạt động văn học nghệ thuật ở TPHCM như thế nào. Bàn về các sự kiện văn hóa thường niên của TPHCM để nuôi dưỡng các hoạt động văn hóa TP.
Đặc biệt là đối thoại về chủ đề gia đình, làm thế nào để xây dựng "gia đình 2.0", tức là mỗi phụ nữ sinh đủ hai con. Việc thiết kế, quy hoạch nhà ở cũng phải giúp cho các thế hệ trong gia đình có thể sống gần nhau.
Một chủ đề nữa mà đồng chí Bí thư Thành ủy gợi ý đối thoại là phê phán những suy thoái về đạo đức, chẳng hạn như tham nhũng. “Phải phê phán góp phần làm cho xã hội lành mạnh, ổn định, tạo bầu không khí không được chọn tham nhũng là con đường sống, bởi nó mâu thuẫn với con đường sống của đất nước mình”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Ngoài ra, có thể đối thoại văn hóa dân tộc và hội nhập; đối thoại về phát huy, bồi dưỡng nhân tài cho TP; tọa đàm về cuộc sống đồng bào người Hoa, người Khmer – hai cộng đồng dân tộc lớn ở TPHCM để khẳng định sự hiện diện và đóng góp của họ trong lịch sử…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hệ thống lại các giá trị văn hóa con người Việt Nam bằng mấy câu thơ: Yêu nước, trung thực, nghĩa tình/ Cần cù, dũng cảm, kết đoàn, tiến lên/ Nước ta nam nữ bình quyền/Gia đình là gốc vững bền nước non/Sáng tạo truyền thống vàng son/Thượng tôn pháp luật sánh hàng năm châu. Riêng yếu tố thượng tôn pháp luật, đồng chí Bí thư cho rằng hiện nay chưa thực sự tốt, cần phải giáo dục, tuyên truyền để xây dựng tinh thần này tốt hơn.