Đón xuân này nhớ xuân xưa

“Tết,Tết, Tết, Tết đến rồi, Tết đến trong tim mọi người…”, bản nhạc xuân vang lên là dấu hiệu cho sự kiện cái Tết Nguyên Đán, cái tết cổ truyền của người Việt đã sắp về.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Lòng người phấn khởi, đất trời cùng hoà nhịp sống, ngoài kia chúa xuân như đã tới đầu ngõ, những tia nắng vàng nhạt, với làn gió xuân hây hẩy đã thế chỗ cho bộ mặt cau có của bà già mùa đông. Người người đang hối hả đua với thời gian để chuẩn bị cho mình một cái tết tươm tất nhất. Riêng tôi dù đã ở độ tuổi U70 rồi mà mỗi khi tết đến xuân về thì lòng già vẫn vẹn nguyên những cảm xúc bồi hồi, náo nức như thuở còn mười tám, đôi mươi vậy. Có nghĩa là tôi thích tết, yêu lắm những ngày được gọi là tết. Người ta nói - người già thường hay hoài cổ - tôi cũng vậy, dù đã có đủ đầy con cháu, dù thời bây giờ là thời của công nghệ 4.0, thì riêng tôi vẫn cứ mãi nhớ về những cái tết của ngày xưa, khi tôi còn sống với mẹ cha nơi thành phố quê hương xinh đẹp. Thành phố nhỏ nằm bên dòng sông Lam xanh biếc với giọng hò hết giận rồi thương.

Ngày ấy tết ở quê tôi cũng tưng bừng nhộn nhịp lắm. Vào những ngày giáp tết các phiên chợ Vinh chật kín người, hàng hóa cũng rất nhiều, thứ gì cũng có, nhưng nếu được theo mẹ đi chợ thì tôi chỉ mê mải đứng ngắm dãy hàng hoa và hàng tranh. Tôi mê những cành đào hoa nở dày đặc trên thân, màu hoa tươi thắm đỏ như môi hồng thiếu nữ. Tôi đứng thẫn thờ trước những gian hàng treo la liệt các đôi câu đối được viết bằng kiểu chữ thư pháp in lên giấy điều, câu nào cũng rất ý nghĩa, rất hay, nhưng câu đối hay nhất vẫn là câu nằm lòng:- thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. Là những phẩm vật mà tết ở quê tôi không thể nào thiếu được…! Cũng có đôi câu đối hài hước như: “chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, có cẳng đạp thẳng bần ra khỏi cửa- sáng mồng một rượu say túy lúy, giang tay bồng ông phúc vào nhà”.

Vậy mà đọc ai cũng khoái! Nhưng điều tôi nhớ nhất là đón giao thừa và đi chúc tết nhau. Tối ba mươi nhà nào cũng háo hức chờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tiếng pháo nổ đì đùng, lúc đầu lác đác, càng khuya càng dày rồi đến giờ giao thừa thì nổ dồn dập tiền pháo âm vang như xé toang cả màn đêm, cả thành phố sáng bừng trong ánh pháo nổ. Nhà ai pháo nổ giòn không có viên lép thì rất mừng, vì vậy là năm mới sẽ làm ăn may mắn. Rồi thì cả nhà xúm quanh chiếc đài bán dẫn chờ nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết, bàn luận ý thơ. Cỗ cúng giao thừa thường là bánh ngào và các loại trái cây. Bánh ngào cúng giao thừa như là một đặc sản riêng của quê tôi trong ngày tết vậy.

Sáng mồng một dậy sớm lễ đầu tiên vẫn là cúng ông bà, tổ tiên, trầm hương nghi ngút, tiếp đến sẽ là mặc quần áo đẹp nhất, mới nhất đi chúc tết lẫn nhau trong xóm làng, nét văn hoá đẹp đẽ đó làm tình nghĩa xóm làng thêm thân thiết, gắn kết hơn. Ngày tết những giận hờn, ghét bỏ đều được xí xoá để rồi lại mời rượu, mời trầu nhau. Nhớ đến đây tôi lại thấy tiếc vì tục chúc tết nhau hình như đã mai một theo xu hướng ăn tết mới ngày nay vậy!

Đang mơ màng nhớ về những cái tết của ngày xưa thân ái, tôi chợt giật mình vì tiếng ai ngang ngõ: - Mai nở sớm rồi chị ơi - tôi ngước mắt lên cây mai trong sân, quá đã có vài nụ mai vàng hé nở, năm nay thời tiết Quảng Nam ấm nên mai nở sớm, chắc dăm hôm nữa là rộ. Tết năm nay là Tết Giáp Thìn, mặc dầu năm qua kinh tế có phần chật vật nhưng người Quảng Nam vẫn đang chuẩn bị cho mình một cái tết ấm áp, những đứa con xa sẽ về quê để đoàn viên cùng gia đình, ngoài đồng lúa đã lên xanh mơn mởn, nhà nông có thể yên tâm ăn tết với niềm tin vụ mùa tới thóc lúa sẽ đầy nhà.

Các gia đình chính sách, những hộ khó khăn đều được trợ cấp! Vì vậy nhà nào cũng cố gắng trang hoàng nhà cửa, mua bông mua cây cảnh về cho có cảnh tết. Bánh trái và các thực phẩm ngày tết, siêu thị hay chợt tràn trề, không mấy nhà tự gói bánh chưng, bánh tét hay làm mứt kẹo nữa mà đều đi mua, hiếm hoi lắm mới thấy một nhà gói bánh tết. Thời gian và công sức được tiết kiệm nhưng niềm vui háo hức trong những ngày giáp tết giờ chỉ là kí ức

Tết này người ta sẽ du xuân nhiều hơn, khá giả đi du lịch nước ngoài, còn lại khám phá nội địa. Thời bây giờ chỉ thích ăn nhà hàng, chụp ảnh đăng lên phây. Các điểm du lịch mọc ra như nấm. Các nhà làm du lịch khéo đầu tư chăm chút nên điểm nào ngày tết cũng cũng đông đúc khách chơi xuân, trải nghiệm…

Là người hoài cổ nên có chút ngậm ngùi về tết xưa, nhưng chỉ một chút thôi nhé. Dù xưa hay nay tết của người Việt vẫn đem đến rất nhiều cảm xúc, trước sau tết của người Việt vẫn sẽ trường tồn cùng sự phát triển của đất nước. Nhân dịp sắp sang năm mới, bà già tôi xin được kính chúc nhà nhà con Lạc, cháu Rồng một cái tết ấm áp và một năm mới an khang thịnh vượng!

LÊ THỊ KIM HƯƠNG

Quảng Nam

Tin cùng chuyên mục