Đồng bộ giải pháp nâng chất lượng hàng hóa

Để cung cấp hàng hóa an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, chính quyền TPHCM và các doanh nghiệp đã có những bước đi chiến lược trong việc kiểm soát chất lượng đầu vào của hàng hóa.

Tiêu thụ hàng hóa ở mức cao

Là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước nên mức tiêu dùng hàng hóa cũng như doanh thu bán lẻ của TPHCM luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Cụ thể, báo cáo từ các Cục thống kê địa phương cho thấy, năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa của TPHCM đạt 697.604,7 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2022.

XHH 8B.jpg
Kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa vào siêu thị nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng

Những con số nói trên cho thấy, TPHCM không chỉ là đầu mối lưu thông hàng hóa lớn của cả nước mà còn là nơi tiêu thụ hàng hóa, nhất là thực phẩm rất lớn. Tuy vậy, TPHCM lại không sản xuất đủ số lượng để phục vụ nhu cầu của người dân, trong đó chỉ tính riêng lĩnh vực nông nghiệp, hiện mức sản xuất mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh, nhập khẩu qua nhiều đường khác.

Theo Sở Công thương TPHCM, việc nhập hàng từ các địa phương khác về sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa được kết nối tiêu thụ, người nông dân có đầu ra ổn định, còn người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa đa dạng. Song, bên cạnh mặt tích cực, vẫn có tình trạng hàng hóa kém chất lượng “lọt lưới” được đưa vào TPHCM. Đơn cử trong lĩnh vực hàng thực phẩm, các thống kê từ lực lượng quản lý thị trường TPHCM cho biết, chỉ riêng năm 2023, lực lượng này tiến hành kiểm tra 630 vụ thì phát hiện có tới 508 vụ vi phạm với 344.547 đơn vị sản phẩm thực phẩm. Hàng hóa vi phạm phổ biến là không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng…

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo các chuyên gia, chất lượng hàng hóa, nhất là với nhóm ngành thực phẩm, vấn đề vệ sinh an toàn là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Do vậy, việc đảm bảo đầu vào hàng hóa cung cấp cho TPHCM rất quan trọng và đang được thành phố rốt ráo triển khai. Trong đó, về mặt chính sách, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước có Sở An toàn thực phẩm và cơ quan chức năng này đã chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2024. Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động.

Cùng với đó, UBND TPHCM cũng chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai giải pháp xúc tiến thương mại xuyên suốt cả năm 2024 nhằm hỗ trợ kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường theo đúng quy định.

Đáng chú ý, công tác quản lý chất lượng hàng hóa được đẩy mạnh triển khai thông qua việc các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TPHCM đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. “Việc hợp tác này nhằm tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững theo hướng hiện đại - minh bạch - an toàn - hiệu quả”, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM, chia sẻ.

Bởi lẽ, theo ước tính của Sở Công thương TPHCM, các hệ thống bán lẻ hiện chiếm khoảng 60-70% mảng bán lẻ hiện đại, cung ứng lượng lớn hàng hóa cho người tiêu dùng TPHCM. Do vậy, khi các nhà bán lẻ này bắt tay hợp tác sẽ phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, thời gian tới, điều kiện để bán hàng vào siêu thị có thể sẽ khó hơn, trách nhiệm của nhà cung cấp cũng cao hơn. Bù lại, các bên sẽ tiến tới một chuẩn nhập hàng chung (bên cạnh một số tiêu chuẩn riêng theo chiến lược kinh doanh của từng hệ thống); doanh nghiệp ký được hợp đồng bán hàng vào 1 hệ thống siêu thị sẽ đương nhiên được ưu tiên xúc tiến đưa vào các hệ thống siêu thị còn lại.

Liên quan đến vấn đề chất lượng hàng hóa, mới đây, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực thực phẩm năm 2024. Theo chương trình này, thành phố sẽ triển khai các giải pháp bảo vệ thị trường ngành chế biến lương thực thực phẩm. Trong đó, có tổ chức tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Cùng với đó là thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Kế hoạch cũng đề xuất khu vực phát triển hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm. Trong đó, khảo sát, đề xuất địa điểm và xây dựng phương án kêu gọi đầu tư thực hiện hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực thực phẩm.

Thông qua những giải pháp đồng bộ trên, chính quyền TPHCM kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát chất lượng hàng hóa, đưa những sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân đang sinh sống trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục