Tỉnh có hàng chục làng nghề tiểu thủ công nghiệp với truyền thống lâu đời, đã giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững cần rất nhiều sự hỗ trợ từ nhiều phía…
Phù hợp với lao động nông thôn
Nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò có lịch sử trên 100 năm. Khoảng 60% người dân ở xã theo nghề truyền thống này, với khoảng 3.000 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập bình quân khoảng 600.000đ/người/tháng.
Chị Hoàng Thị Thắm, ngụ ấp An Lợi A, xã Định Yên cho biết: “Tuy thu nhập không cao nhưng nghề dệt chiếu làm quanh năm, cuộc sống cũng tạm ổn”. Nghề dệt chiếu không đòi hỏi vốn lớn, chỉ với khoảng 1 triệu đồng là mỗi hộ có thể mua khung dệt, lát, chỉ… thì có thể hành nghề…
Cơ sở dệt chiếu Định Yên của ông Trần Văn Nô ở ấp Lợi An A giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập ổn định. Đây là một trong những cơ sở lớn, lâu năm ở xã Định Yên, hoạt động có hiệu quả thu hút lao động, với sản lượng khoảng 1.500 sản phẩm/tháng.
Ông Nô cho biết: “Gần đây, chiếu của Định Yên được tiêu thụ mạnh nên tôi dự định đầu tư thêm khung dệt để thu hút lao động nông nhàn trong xóm. Nghề dệt chiếu không đòi hỏi tay nghề cao, chỉ chịu khó là được nên phù hợp với lao động nông thôn, nhất là lao động nữ”. Ngoài Định Yên, nghề chiếu còn phát triển mạnh ở xã Bình Thành, Định An (Lấp Vò), xã Tân Khánh Đông (thị xã Sa Đéc)… góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.
Làng nghề dệt khăn choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự cũng lâu đời không kém nghề dệt chiếu ở Định Yên. Nghề dệt khăn choàng xuất xứ từ nghề dệt lãnh đen, với sản phẩm lãnh Mỹ A nổi tiếng một thời.
Dần dần khi sản phẩm vải lãnh ít sử dụng, người dân chuyển sang dệt khăn rằn… Khăn rằn thường được người dân dùng để choàng lên người khi làm nông nghiệp nên dân địa phương gọi là nghề dệt khăn choàng.
Nghề dệt khăn choàng tập trung ở ấp Long Tả với trên 450 hộ, gần 1.000 lao động. Hiện làng nghề có gần 200 máy dệt và trên 500 khung dệt tay, sản lượng khoảng 3,5 triệu sản phẩm/năm.
Chị Lê Bảo Ngọc, người dệt khăn choàng nhiều năm, cho biết: “Dệt gia công thu nhập khoảng 800.000đ/người/tháng. Nếu đầu tư khung dệt máy, năng suất tăng gấp 3 lần, sản phẩm này tiêu thụ mạnh vào thời điểm thu hoạch các vụ lúa trong năm”.
Đến nay, Sở Công nghiệp Đồng Tháp đã công nhận hàng chục làng nghề thủ công nghiệp. Các làng nghề này giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động, chiếm khoảng 10% lực lượng lao động nông thôn, với thu nhập từ 500.00 – 800.000đ/lao động/tháng.
Vẫn quanh quẩn ở làng
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các làng nghề gặp không ít khó khăn do phần lớn người lao động trình độ thấp, chưa qua đào tạo nghề; thị trường tiêu thụ không ổn định; phần lớn làm gia công cho các doanh nghiệp khác.
Nhu cầu vay vốn để phát triển, mở rộng làng nghề của hộ dân cơ sở rất lớn nhưng số cơ sở, hộ được vay thấp do chính sách cho vay chưa phù hợp với điều kiện của làng nghề, thủ tục còn phức tạp…
Theo một lãnh đạo của UBND xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, để làng nghề phát triển bền vững, Nhà nước cần hỗ trợ người dân chuyển từ dệt tay sang dệt máy nhằm tăng năng suất, thay đổi công nghệ dệt khăn không những bằng chỉ cotton mà dệt khăn bông, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… để cạnh tranh được với các loại sản phẩm khác.
Thời gian qua, việc hỗ trợ chỉ tập trung vào việc thí điểm từ dệt tay sang dệt máy chứ chưa chú ý đến chất lượng sản phẩm nên hiệu quả chưa cao.
Qua khảo sát, các cơ sở sản xuất tập trung ở các làng nghề giải quyết được nhiều lao động, thu nhập của người lao động cao hơn ở các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ.
Ông Trần Văn Nô, chủ cơ sở sản xuất chiếu Định Yên kiến nghị: Nhà nước cần có các chính sách đẩy mạnh hơn nữa về vốn cho các làng nghề, miễn giảm thuế để khuyến khích người dân tham gia vào các hợp tác xã. Thời gian qua, việc vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm rất khó khăn do thủ tục mất nhiều thời gian, vốn vay ngắn hạn… nên nhiều hộ đành phải vay bên ngoài với lãi suất cao.
Được biết, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề và làng nghề thủ công nghiệp đến năm 2010. Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch lại ngành nghề và làng nghề với những sản phẩm chủ lực, sản xuất theo hướng tập trung; hỗ trợ các làng nghề thay đổi thiết bị, đào tạo nghề tại chỗ cho lao động nông thôn; đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn ở các làng nghề… với tổng kinh phí trên 630 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2010, phát triển thêm 20 làng nghề, giải quyết việc làm trên 24.000 lao động, nâng tổng số lao động làm việc ở các làng nghề lên trên 70.000 lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. |
HỒNG NGỰ