Dòng vốn đầu tư chảy về Đà Nẵng dịp đầu năm 2021

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thế nhưng năm 2021 là thời điểm vàng để TP Đà Nẵng phát huy nội lực, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển và khơi thông dòng vốn đầu tư trong nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trao 6 Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư và 1 chủ trương nghiên cứu đầu tư cho các doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh trao 6 Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư và 1 chủ trương nghiên cứu đầu tư cho các doanh nghiệp

Nhiều giải pháp đột phá

Tính đến tháng 2-2021, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án trong nước với vốn đầu tư 6.291 tỷ đồng và 12 dự án FDI với vốn đầu tư 545,1 triệu USD. Lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng thu hút được 496 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 26.561 tỷ đồng và gần 1,8 tỷ USD.

Sau khi được triển khai, các dự án này sẽ tạo những chuyển biến tích cực về thu hút các dự án lĩnh vực công nghệ cao đến TP Đà Nẵng

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp (KCNC & các KCN) Đà Nẵng cho biết, vừa qua có 7 dự án được trao chứng nhận đầu tư và chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư nổi bật là 3 dự án đầu tư vào KCNC với tổng vốn đầu tư 280 triệu USD. Đây đều là các dự án sản xuất và nghiên cứu các sản phẩm công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến. Sau khi được triển khai sẽ tạo những chuyển biến tích cực về thu hút các dự án về công nghệ cao đến TP Đà Nẵng nói chung và khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian đến và thúc đẩy, lan tỏa sự phát triển khoa học – công nghệ của TP Đà Nẵng trong tương lai.

Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư trực tuyến “Đầu tư vào Đà Nẵng” dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ thị trường Hàn Quốc

“Mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất và các hoạt động xúc tiến đầu tư trong, ngoài nước; tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Ban Quản lý KCNC & các KCN Đà Nẵng chủ động triển khai các giải pháp xúc tiến hiệu quả trong đó quan trọng là công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu, quyết định đầu tư vào thành phố trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao”, ông Sơn cho hay.

Đề cập lý do chọn Đà Nẵng để đầu tư, bà Nguyễn Thùy Linh, Trưởng VPĐD KMM tại Hà Nội, điều phối dự án “Fujikin Danang R&D center” cho biết, Ðà Nẵng có lợi thế về nguồn lực con người, về giao thông, môi trường. Không những thế, KCNC Đà Nẵng đang được chính quyền thành phố xúc tiến đẩy mạnh đầu tư trong những năm gần đây.

“Thành phố với nhiều giải pháp đột phá, nhiều cách làm mới, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến Đà Nẵng đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án để tái đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư của thành phố theo hướng thông thoáng, minh bạch, có tính cạnh tranh cao”, bà Linh cho hay.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ

Đà Nẵng xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của cả nước và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trên cơ sở huy động có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế, sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp ưu tiên, tạo ra giá trị tăng thêm cao cho ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng bền vững.

Công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm 20% giá trị tăng toàn ngành công nghiệp Đà Nẵng

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý KCNC & các KCN Đà Nẵng nhìn nhận, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cơ sở triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp mới (Hòa Cầm – giai đoạn 2, Hòa Ninh, Hòa Nhơn) và hoàn thành việc chuyển đổi khu phụ trợ dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng thành Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng, góp phần triển khai Nghị quyết số 1 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Đà Nẵng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hết mình để các nhà đầu tư chân chính triển khai các hoạt động
Giai đoạn 2021 – 2025, Đà Nẵng đặt mục tiêu có trên 150 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ít nhất 10% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 30% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
Giai đoạn 2026 – 2030 có trên 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó, ít nhất 15% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 40% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trên mỗi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thu hút được ít nhất 1 công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, với mục tiêu phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng trở thành hạt nhân của khu vực Tây Bắc thành phố, làm động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và trung tâm khoa học công nghệ lớn của thành phố và khu vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội. Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng như xây dựng, đề xuất và ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Qua xúc tiến và kêu gọi đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quyết định đầu tư vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp trên địa bàn.

Trong thời gian đến, các nhà đầu tư tiếp tục cùng thành phố sớm triển khai và đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch và tiến độ, đồng thời hỗ trợ thành phố trong việc giới thiệu các nhà đầu tư, là bạn bè, đối tác đến nghiên cứu, đầu tư tại Đà Nẵng. 

“Lãnh đạo TP Đà Nẵng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hết mình để các nhà đầu tư chân chính triển khai các hoạt động nghiên cứu đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố”, ông Minh khẳng định.

Thêm nhiều dự án FDI hàng trăm triệu USD đầu tư vào Đà Nẵng

Ngày 23-2, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng cho hay, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án đầu tư. Trong số này có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ hai thị trường trọng điểm thu hút đầu tư của Đà Nẵng là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Cụ thể là dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu USD; Dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) với vốn đầu tư 35 triệu USD; Dự án EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng (Nhật Bản) với vốn đầu tư 300.000 USD. 

3 dự án trong nước đầu tư vào Đà Nẵng có tổng vốn đăng ký đầu tư là 73,4 tỷ đồng.

Dịp này, Đà Nẵng cũng trao Chủ trương nghiên cứu đầu tư cho Arevo Inc. (Hoa Kỳ) để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D. Dự án có tổng vốn đầu tư 135 triệu USD.

Theo ông Sơn, đây là các dự án sản xuất và nghiên cứu các sản phẩm công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến. Các dự án sau khi được triển khai sẽ tạo những chuyển biến tích cực về thu hút dự án công nghệ cao đến Đà Nẵng nói chung, Khu công nghệ cao Đà Nẵng nói riêng.

                                                                                       NGUYỄN CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục