Đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2-9: Du lịch đông vui

Người dân trên khắp mọi miền đất nước vừa có đợt nghỉ lễ Quốc khánh vui vẻ. Trong đợt nghỉ lễ này, nhiều điểm đến như TPHCM, Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Đà Lạt… khách du lịch tăng mạnh, không xảy ra tình trạng “chặt chém” giá dịch vụ. 
Người dân đi chơi lễ 2-9 tại Công viên bến Bạch Đằng, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Người dân đi chơi lễ 2-9 tại Công viên bến Bạch Đằng, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Du khách tăng

Theo Sở Du lịch TPHCM, dịp lễ 2-9 năm nay, có khoảng 920.000 lượt du khách đến tham quan tại các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí trên địa bàn TP. Trong đó, khách quốc tế khoảng 32.484 lượt, khách nội địa khoảng 365.000 lượt, khách lưu trú khoảng 130.000 lượt... Công suất phòng trung bình đạt 75%. Tổng doanh thu của ngành du lịch TPHCM ước đạt 2.740 tỷ đồng trong kỳ nghỉ lễ này. 

Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, dịp lễ 2-9, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 422.700 lượt. Trong đó, khách du lịch nội địa khoảng 400.000 lượt, còn lại là khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.300 tỷ đồng. Các điểm đến được ưa thích trong dịp này là Hoàng Thành Thăng Long (đón trên 10.000 lượt khách); di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (đón khoảng 13.000 lượt khách); di tích Nhà tù Hỏa Lò (đón 9.980 lượt khách).

Ước tính 4 ngày nghỉ lễ, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn đạt khoảng 40,5%. Trong đó, khách nội địa lưu trú ước đạt khoảng 23,5%, khách quốc tế lưu trú đạt khoảng 17% (chủ yếu đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Phần Lan…). 

Các điểm đến của du lịch miền Trung như Cố đô Huế, Đà Nẵng, Hội An... cũng thu hút rất đông du khách trở lại, tăng hơn năm 2019 (thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra). Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong đợt lễ 2-9, có khoảng 15.000 - 20.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Hội An mỗi ngày. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến Hội An tăng mạnh, riêng ngày 2-9 có đến 1.600 lượt khách, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Lượt khách lưu trú mỗi ngày từ 5.000 - 7.000 người, công suất phòng đạt mức 80%, trong đó khách quốc tế ở mức 1.500 khách/ngày.

Trong khi đó, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, lượng khách tham quan, vui chơi tại các khu điểm du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ tăng khoảng 58% so với năm 2019. 

Tại Bình Thuận, trong 2 ngày cao điểm dịp lễ (ngày 1 và 2-9), các cơ sở kinh doanh lưu trú ven biển trên tuyến Hàm Tiến - Mũi Né kín phòng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dịp lễ 2-9, khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế đông, tuy nhiên theo ghi nhận đến chiều tối 4-9, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng “chặt chém” giá dịch vụ.

Giao thông ùn ứ cục bộ

Ngày 4-9, người dân các tỉnh ĐBSCL đổ về TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ đông khiến giao thông tại cửa ngõ miền Tây ùn tắc cục bộ.

Tại khu vực cầu Rạch Miễu (hướng từ Bến Tre đi Tiền Giang) và quốc lộ 60 (Tiền Giang), hàng ngàn phương tiện bị kẹt cứng, xếp hàng dài trong nhiều giờ. Để giải quyết tình trạng ùn tắc cục bộ tại đây, Trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu phải xả trạm.

Hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau di chuyển trên quốc lộ 60 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, chiều 4-9. Ảnh: NGỌC PHÚC

Ghi nhận của PV Báo SGGP, ngay từ sáng 4-9, khách du lịch từ TP Vũng Tàu ùn ùn trở về TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương trên quốc lộ 51 (đoạn qua huyện Long Thành) khiến giao thông bị ùn tắc nghiêm trọng. Hàng trăm phương tiện nối đuôi nhau, di chuyển chậm trên quốc lộ 51, các tài xế chờ hàng giờ để nhích từng mét, chen chúc; nhiều tài xế ô tô và xe máy vượt lên lề đường để tìm hẻm đi tắt.

Anh Đoàn Văn Anh (SN 1978, ngụ TP Biên Hoà) chở vợ con đến TP Vũng Tàu nghỉ lễ từ ngày 1-9, sáng nay trở về và bị kẹt lại ở Trạm thu phí T2 (đoạn qua huyện Long Thành) cho biết, bình thường chỉ mất 2 giờ, nay phải 5 giờ mới về đến TP Biên Hòa.

Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu (BVEC) cho biết, trong ngày 4-9, Trạm thu phí T2 đã tiến hành xả trạm 16 lần do lượng xe trở về từ TP Vũng Tàu rất đông, khoảng 41.000 lượt xe. Để giảm ùn tắc, BVEC chủ động phối hợp cùng lực lượng chức năng điều tiết từ xa, xả trạm khi xảy ra ùn tắc kéo dài từ 500m.  

Trên tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng xảy ra ùn tắc giao thông do phương tiện từ TP Vũng Tàu, Đồng Nai đổ về TPHCM đông. Ông Trương Văn (SN 1975, ngụ TP Biên Hòa), tài xế điều khiển phương tiện qua cao tốc trên, cho biết: “Từ quốc lộ 51 vào Trạm thu phí quốc lộ 51 chỉ vài trăm mét, nhưng tôi phải mất cả giờ để đi do xe quá đông. Đề nghị đơn vị chủ quản nghiên cứu, đầu tư thêm số làn tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc này để có thể đáp ứng lưu lượng phương tiện tăng cao trong các đợt lễ, tết”. Hơn 16 giờ, trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn dưới chân cầu Long Thành) xảy ra tai nạn liên hoàn giữa 3 phương tiện khiến giao thông qua khu vực này kẹt xe hơn 2km.

Chiều 4-9, giao thông trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài, nhất là đoạn qua thị xã Duy Tiên (Hà Nam). Nguyên nhân do va chạm giữa 2 xe ô tô tại nút giao Vực Vòng (Hà Nam). Đại diện Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trong ngày 4-9 khoảng 100.000 lượt xe.

Tin cùng chuyên mục