Dự án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng: Nhiều ý kiến phản biện về lĩnh vực kinh tế

Ngày 8-11, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo phản biện Dự án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sau 8 tháng, trải qua 3 giai đoạn, thành phố nhận được nhiều ý kiến đánh giá từ các chuyên gia nhằm góp ý, đặc biệt các vấn đề về lĩnh vực kinh tế.

Về kinh tế, Đà Nẵng đã thống nhất cơ cấu 4 trụ cột gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao, logistics và kinh tế biển. Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các trụ cột phát triển tương đối phù hợp với điều kiện Đà Nẵng. Về tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP giai đoạn 2021 - 2030 cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (GRDP đến 2030 là 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 8.700 USD/năm). 

Các cụm kinh tế đa dạng (Theo báo cáo tư vấn Surbana Jurong - Singapore)
Nghị quyết 43-NQ/TW đặt mục tiêu Đà Nẵng trở thành hạt nhân, trung tâm kinh tế - xã hội, đầu mối giao thông và nút quan trọng trong mạng lưới sản xuất và logistics cả nước, kết nối tổng thể với các địa phương lân cận. Ông Đặng Việt Dũng đề nghị đơn vị tư vấn cần khẳng định mục tiêu này để có các phương án quy hoạch phù hợp. Ông Đặng Việt Dũng cũng đặt vấn đề, đề xuất của tư vấn Surbana Jurong (Singapore) về mức tăng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt 10,1% có phù hợp không khi thấp hơn so với Nghị quyết 43-NQ/TW đã xác định như trên?
Dự án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng: Nhiều ý kiến phản biện về lĩnh vực kinh tế ảnh 2 Nhà tư vấn Surbana Jurong (Singapore) báo cáo nội dung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng 2030 tầm nhìn đến năm 2045

Theo ông Trần Trọng Hạnh, đại diện Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho hay, quy mô kinh tế của Đà Nẵng khoảng 4,01 tỷ USD, đóng góp 1,67% GDP cả nước. So với 5 thành phố trực thuộc trung ương, quy mô kinh tế của Đà Nẵng là nhỏ nhất. Trong bối cảnh hiện nay, để đạt mức 12% theo Nghị quyết 43 nêu trên, Đà Nẵng cần có những nỗ lực lớn.

Dự báo quy mô kinh tế của thành phố đến năm 2030 GRDP đạt 13,95-16,48% USD; GDP/người là 9,555-11,444 USD, tăng 3-4 lần so với hiện nay. Ông Trần Trọng Hạnh chia sẻ, đối chiếu với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đến năm 2021-2030 Việt Nam trở thành nước công nghiệp dẫn đầu các nước có thu nhập cao, đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại theo định hướng XHCN. “Trong khu vực đô thị với mức tăng trưởng dự kiến, quy mô kinh tế TP Đà Nẵng vẫn chỉ đóng góp khoảng 3% cho GDP cả nước và mức thu nhập bình quân vẫn chưa thể xếp vào tốp đầu của nhóm đô thị lớn ở Việt Nam.”- Ông Trần Trọng Hạnh cho biết.

Trước báo cáo của nhà tư vấn, ông Maysho Prashad, Callison RTKM (Mỹ) cho rằng, ngoài các ngành công nghệ cao, các ngành kinh tế nhỏ lẻ là thành phần quan trọng mà thành phố không nên bỏ sót. Đà Nẵng nên xem xét các cụm du lịch bờ sông, đây là nơi tập trung những khu du lịch mang tính truyền thống như Nam Ô là vốn quý sẵn có mà thành phố có thể tận dụng.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) 
Với cảng biển tại Đà Nẵng, ông Maysho Prashad đề nghị tiếp tục khám phá khả năng mở rộng cảng hiện tại, không nhất thiết tách cảng biển ra khỏi khu vực đô thị, giả sử ban ngày khu vực này có thể mở cửa cho người dân hoạt động tạo nên các giá trị về du lịch. 

Bên cạnh đó, ông Olivier Soquet cho rằng, phát triển nông nghiệp là một vấn đề cực kỳ quan trọng mà tư vấn đã bỏ sót. Khu vực đồi núi ở phía Tây là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển về nông nghiệp thay vì xây dựng mật độ dân số cao. “Xây dựng thành phố hấp dẫn nhưng người trẻ, đồng thời là thành phố phát triển bền vững, đảm bảo lương thực, nguồn gốc phát triển kinh tế của Việt Nam”- ông Olivier Soquet nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, việc quy hoạch có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quyết định trong một giai đoạn phát triển mới, hướng tới đô thị, hiện đại, thông minh đạt tầm cỡ khu vực. Đây là hội thảo cuối trong quá trình nghiên cứu của tư vấn đối với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Tin cùng chuyên mục