Bất bình đẳng từ nhiều khía cạnh
Tuyên bố của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung vaccine đang bị suy giảm do các nhà sản xuất vaccine điều chỉnh quy mô và tối ưu hóa quy trình sản xuất so với giai đoạn triển khai ban đầu.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đặt thêm 100 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, nâng tổng số lượng đặt hàng của EU đối với loại vaccine này lên 600 triệu liều. Đến nay, công ty này đã đáp ứng các cam kết cung cấp cho Ủy ban châu Âu (EC) và dự kiến cung cấp 250 triệu liều vaccine cho EU trong quý 2 năm nay, tăng gấp 4 lần so với số lượng đã thỏa thuận trong quý 1. BioNTech cho biết, 600 triệu liều vaccine trên sẽ được giao trong năm nay, đảm bảo tiêm phòng cho 2/3 dân số EU. Tuần trước, EC thông báo đang đàm phán để mua thêm 1,8 tỷ liều vaccine Covid-19 từ Pfizer/BioNTech nhằm phân phối từ năm 2021 đến 2023. Các liều vaccine bổ sung để dự phòng trường hợp người dân châu Âu cần tiêm vaccine tăng cường hoặc chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Dù đã tiến hành chiến dịch tiêm Covid-9 nhanh nhất thế giới, Chính phủ Israel cũng đã ký thỏa thuận với hãng Pfizer nhằm đặt mua thêm hàng triệu liều vaccine Covid-19 giúp nước này tiếp tục cuộc chiến chống dịch bệnh đến cuối năm 2022.
Liên quan đến tình trạng bất bình đẳng dai dẳng trong hoạt động phân phối vaccine toàn cầu, cùng ngày, Ủy ban Khẩn cấp của WHO khuyến cáo không cần áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine như một điều kiện đi lại quốc tế. Ủy ban này cho rằng, các nước nên thừa nhận việc yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ làm sâu sắc thêm sự bất công và thúc đẩy quyền tự do đi lại bất bình đẳng.
Nỗ lực tự sản xuất và đẩy mạnh tiêm chủng
Từ ngày 1-5, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định mở rộng chương trình tiêm vaccine Covid-19. Động thái này diễn ra trong bối cảnh New Delhi đang đẩy mạnh tự do hóa hoạt động tiêm vaccine tại nước này với việc cho phép các bang, bệnh viện tư nhân và các tổ chức mua vaccine trực tiếp từ nhà sản xuất.
Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh, tiêm chủng là “vũ khí lớn nhất” trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 và kêu gọi các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân tiêm vaccine Covid-19. Trong giai đoạn tiêm chủng thứ 3 bắt đầu vào tháng 5, các nhà sản xuất vaccine sẽ cung cấp 50% số liều cho chính quyền trung ương và được phép cung cấp 50% số liều còn lại cho chính quyền các bang và thị trường mở, với vaccine Covishield do Oxford - AstraZeneca phát triển và Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ). Với việc nhiều bang đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép nhập khẩu vaccine Sputnik V của Nga và đồng ý đẩy nhanh việc phê duyệt các vaccine Covid-19 để tăng tốc tiêm chủng trong nước.
Trung Quốc đang lên kế hoạch phê duyệt vaccine Covid-19 nước ngoài đầu tiên trước tháng 7. Theo báo Wall Street Journal (Mỹ), dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của vaccine do hãng dược phẩm BioNTech SE của Đức sản xuất đã được giám sát chặt chẽ. BioNTech đã nhất trí hợp tác với Công ty Dược phẩm Shanghai Fosun Pharma để cung cấp 100 triệu liều vaccine cho Trung Quốc vào năm 2021, hiện đang chờ phê duyệt.
Ngày 20-4, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Philippines đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp các vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson (Mỹ) và Bharat Biotech (Ấn Độ). Hiện Johnson & Johnson đang thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối tại Philippines. Tại Brunei, sau 2 tuần đánh giá tác dụng phụ, chính phủ nước này thông báo sẽ nối lại việc tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Theo Bộ Y tế Brunei, từ khi tạm ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca vào ngày 6-4, nước này đã xem xét báo cáo từ các nước khác về một số rất ít trường hợp xảy ra hiện tượng đông máu và giảm tiểu cầu sau tiêm.