Đưa người đi châu Âu

Loạt bài: “Xuất khẩu lao động, những gam màu sáng - tối” đăng trên Báo SGGP (ngày 29, 30-10) đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Chúng tôi vừa tiếp nhận một số nguồn tin mới liên quan đến các manh mối đưa người di cư bất hợp pháp ở châu Âu. Thời gian tới đây, các cơ quan chức năng cần có chính sách hợp lý để kiểm soát việc đưa người trái phép ra nước ngoài.

Dùng 2 quốc tịch làm tin

Tại Quảng Bình có ít nhất 5 đầu mối gom người đi châu Âu một cách bất hợp pháp mà giới di cư lậu luôn nhắc đến gồm “D. chiếu”, “V. Thanh Khê”, “T. Bò”, “H. Gà”, “L. Ba Đồn”. Trong số này, nổi tiếng nhất là “D. chiếu” và “V. Thanh Khê” bởi thâm niên hành nghề.

“D. chiếu” 25 năm trước buôn chiếu ở chợ Đồng Hới để kiếm cơm qua ngày. Đùng cái, sau 5 năm đi Đức, “D. chiếu” trở về quê với cuộc sống sung túc và khoe với mọi người là đã đổi đời, có thẻ xanh ở Đức nên đi về như cơm bữa. Người ta cứ thấy “D. chiếu” vài ba tháng ở Việt Nam rồi bay sang Đức, sau đó vài ba tháng về lại Việt Nam chơi. Dần dà, “D. chiếu” tuyên bố đưa được người sang Đức hoặc bất cứ nước nào ở châu Âu để làm việc một cách an toàn. Từ đó đến nay, theo lời khoe của “D. chiếu”, anh ta đã đưa hàng trăm người sang châu Âu một cách bất hợp pháp.

Bà Nguyễn Thị L. nói: “Gia đình tôi có 7 anh chị em thì qua đường dây của “D. chiếu”, 5 người sang Đức, 1 đứa em sau khi đủ lợi nhuận đã về nước kinh doanh, 4 đứa còn lại đã có thẻ xanh, gần nhập quốc tịch Đức. Nhưng đường dây của “D. chiếu” là một trong những con đường tàn nhẫn, dễ mất mạng và chịu đựng đói ăn, thiếu nước mà lại nộp đến 20.000USD. Em gái tôi sang 10 năm trước phải đi bộ mấy tháng trên đất Nga, sang Ukraine rồi đi lậu sang Pháp rồi mới đến được Đức. Không có ô tô, toàn đi bộ và bơi bằng thuyền nhỏ chở mấy chục người vượt hồ lớn rất mong manh. Trên đường đi, thiếu nước uống, gặp hồ nước cặn cũng vục mặt mà uống để còn sức mà đi”. 

Đưa người đi châu Âu ảnh 1 Người đi xuất khẩu lao động chui giúp gia đình xây nhà cửa khang trang nhưng không ít người cũng mang theo về tệ nạn nghiện ngập, “hút cỏ”
Cách thức của “D. chiếu” dụ các “con mồi” là khoe có 2 quốc tịch Đức và Việt Nam nên vào ra châu Âu rất thuận tiện. Bây giờ “D. chiếu” có cơ sở kinh doanh ở Đức và cả Quảng Bình, cơ ngơi được xác định là rất khang trang. Khi liên hệ, “D. chiếu” thành thực nói là sang Anh đã bị chặn rất gắt, vào Đức và hơn 20 nước khác của EU đều làm được nhưng phải chịu cực mới có thể đổi đời”.

Nguy cơ bị lạm dụng tình dục

Một phụ nữ ở Bắc Quảng Bình tên Trần Thị H. kể rằng, chị đi theo đường dây của “V. Thanh Khê” ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch. Đây là vùng đất có nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ xuất khẩu lao động cả hợp pháp và không hợp pháp. “Đường dây đầy máu và nước mắt. Đầu tiên là được làm visa du lịch sang Thái Lan, sau đó hộ chiếu bị thu lại và bắt đầu một hành trình tủi nhục. Phụ nữ có chút nhan sắc đều có nguy cơ bị tấn công quấy rối tình dục. Đàn ông thì bị giới đồng tính dẫn đường quấy nhiễu. Từ Thái Lan, chúng tôi được tìm cách đưa sang Nga với tư cách là công dân Thái đi du lịch, sau đó là hành trình đi bộ 9 tháng trời để qua Đức. Ở các trạm có toán dẫn đường, chúng ưa người nào để quấy rối sẽ chọn người đó. Sự đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần cứ ám ảnh mãi cả đời. Tôi từng bị quấy rối nhiều lần mới sang được Đức làm thuê không giấy tờ. Khi có chút vốn và trả được nợ, tôi tìm về quê buôn bán nhỏ. Nhắc đến cảnh đi làm chui ở EU là một nỗi thống khổ không bao giờ có thể quên. Đến bây giờ, có chồng con, tôi vẫn không thể nào kể cho người nhà nghe, bởi vì đó là một ký ức quá nặng nề và đau thương”, chị H. kể.

“V. Thanh Khê” nổi tiếng máu lạnh, giá tiền mỗi người đi từ 18.000 - 22.000USD. Đây là một mắt xích của con đường đưa người trái phép đi châu Âu. Không ít nạn nhân không thể tiết lộ những quấy rối thông qua đường dây này.  Bởi khi qua EU, lao động ở bất cứ đâu cũng có chân rết theo dõi, nếu tiết lộ bất cứ gì thì sẽ gặp nguy hiểm ở đất khách và người nhà ở quê cũng bị đe dọa, khủng bố. Ngay cả khi về quê, nạn nhân cũng được “chăm sóc” khá lâu để đảm bảo mọi bí mật được giữ kín và không lọt ra ngoài.

Bà L. cho biết: “Thật ra các đường dây đều có nguy cơ trở thành nô lệ tình dục, bởi người nộp tiền để được đi thân cô thế cô, làm việc trong tình trạng bất hợp pháp nên ai bóc lột cũng được. Giới chủ quản lý tấn công cũng không thể báo ai, vì sợ bị bắt, trả về, ôm cục nợ không biết lấy đâu mà trả nên nghiến răng như nô lệ”.

Xưng trẻ con nhằm thoát tù

Đường dây của “D. chiếu” và “V. Thanh Khê” cùng 3 đầu lĩnh còn lại ở Quảng Bình đều có cách huấn luyện các lao động trái phép Việt Nam khi sang EU, nếu bị bắt đều phải khai dưới 16 tuổi. Bà L. cho hay: “Các em của bà từ 30 - 42 tuổi khi sang Đức nhưng đều khai dưới 16 tuổi. Bởi lẽ, là trẻ em thì dù bị bắt, tòa án cũng tha bổng và đưa vào các trại xã hội. Như thế lại càng có cơ hội bỏ trốn để đi làm chui kiếm tiền gửi về quê. Nếu bị bắt nhiều lần thì nhà chức tránh giao cho các tổ chức xã hội bảo vệ quyền trẻ em cứu tế. Khi làm việc tốt, được đào tạo nghề thì lúc đó có cơ hội lấy thẻ xanh ở lại Đức hoặc các nước châu Âu. Cách này thì lâu thu hồi vốn nhưng có cơ hội ở lại EU lâu dài. Hoặc kết hôn với người sở tại bằng cách bỏ thêm tiền cưới chồng/vợ ở EU để hy vọng ở lại làm ăn nên không ít người lao vào như thiêu thân”.

Theo chị H., “Người châu Phi hay Tây Á to con không thoát được cách khai dối tuổi nên bị trục xuất rất nhiều. Người Việt nhỏ con hơn các nước khác, dù 45 tuổi vẫn thấy nhỏ, vậy nên đánh lừa được các cơ quan luật pháp EU, đặc biệt là Đức và Anh. Đây là cách mà các đường dây đưa lậu người đều bày cho các cá nhân khai. Muốn làm được điều này thì trong người không được có bất cứ giấy tờ nào, họ sẽ bố trí đào tạo nghề theo nguyện vọng muốn ở lại lao động một cách hợp pháp sau nhiều lần bắt. 

Hiện tại, theo tìm hiểu của chúng tôi, 5 đường dây này đang co vòi lại, mỗi người lưu tán một nơi, do sợ bị cơ quan chức năng gọi hỏi nên “vắng bóng” khỏi địa bàn hoạt động.

Ngày 5-11, UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện đã ký Công văn số 1881/UBND yêu cầu các xã, thị trấn, trọng tâm là các xã khu vực ven biển như: Nhân Trạch, Đại Trạch, Thanh Trạch, Đức Trạch, Hải Trạch… khẩn trương rà soát, làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với người xuất cảnh ra nước ngoài, nhất là nước Anh. 

Tin cùng chuyên mục