Đưa sinh viên về hỗ trợ cơ sở

Nhiều địa phương, đơn vị tại TPHCM đang vào đợt cao điểm triển khai các dự án, nhiệm vụ trọng tâm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nhân sự ở một số dự án, nhiệm vụ cụ thể. Để giải quyết bài toán này, một số nơi đã linh hoạt áp dụng Đề án 01 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ, lãnh đạo tương lai của TPHCM để huy động nguồn lực từ sinh viên, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc của địa phương, đơn vị.

Lăn xả ở cơ sở

Đầu giờ chiều một ngày giữa tháng 5, bất chấp cái nắng gay gắt, nhóm 5 sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM bắt đầu buổi đo đạc, kiểm đếm, thống kê nhà ở cùng các tài sản gắn liền với đất của gia đình ông Trương Văn Giang (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức), thuộc dự án đường Vành đai 2. Mọi người nhanh chóng chia khu vực để làm việc, các thao tác đều thuần thục. Chỉ sau gần 25 phút, khu vườn có diện tích hơn 500m2 đã hoàn tất khâu đo đạc, kiểm đếm.

%1d.jpg
Sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM hỗ trợ công việc tại Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM. Ảnh: THÀNH TRỌNG

Em Nguyễn Thị Diễm My, sinh viên năm 4, khoa Quản lý đất đai và bất động sản, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, cho biết, qua hơn 2 tháng tham gia công việc kiểm đếm giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất của dự án đường Vành đai 2, em học được rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn.

“Em và các bạn có thêm nhiều kiến thức thực tế, được rèn luyện về tác phong làm việc, về cách ứng xử với người dân, về sự chuyên nghiệp trong công việc. Được tham gia vào quy trình của dự án, chúng em cũng hiểu hơn về ngành mình học, có định hướng tốt hơn trong tìm kiếm công việc sau khi tốt nghiệp…”, Diễm My chia sẻ.

Diễm My là một trong 28 sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tham gia Đội hình thanh niên xung kích hỗ trợ dự án đường Vành đai 2. Công việc chính của các bạn là hỗ trợ đo đạc, kiểm đếm, thống kê nhà ở cùng các tài sản gắn liền với đất của người dân có đất đai bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức.

Thời gian qua, sinh viên của nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành luật cũng được tăng cường về các cơ quan tư pháp. Ghi nhận tại Trường Đại học Luật TPHCM (ULAW), hiện trường có gần 350 sinh viên được đưa về TAND 2 cấp TPHCM, gần 80 sinh viên về Viện KSND Cấp cao tại TPHCM và Viện KSND 2 cấp thành phố, gần 20 sinh viên về Cục Thi hành án dân sự TPHCM…

Em Trần Mạnh Khánh, sinh viên năm 3 ULAW, chia sẻ, trong thời gian tập sự tại TAND TPHCM, em đã học hỏi được rất nhiều điều về cách làm việc cũng như quy trình, hồ sơ, thủ tục giải quyết các vụ án mà lúc học lý thuyết trên trường em chưa thể hình dung được hết và không nhớ rõ quy trình tố tụng… Việc tập sự tại các cơ quan tư pháp giúp Khánh và các bạn có hình dung rõ ràng về công việc của công chức tòa án; đồng thời là cơ hội để các bạn tạo thêm các mối quan hệ trong công việc sau này.

TP Thủ Đức vừa ký kết hợp tác với Đại học Kinh tế TPHCM. Bên cạnh các nội dung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ, hai đơn vị cũng đẩy mạnh hợp tác trong việc tiếp nhận sinh viên đến thực tập tại các phòng, ban chuyên môn của TP Thủ Đức. Trước mắt, Đại học Kinh tế cử sinh viên đến hỗ trợ Phòng Kinh tế - Kế hoạch và đầu tư TP Thủ Đức liên quan đến cấp giấy đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về mặt kinh tế.

Góp phần đẩy nhanh tiến độ công việc

Theo ông Nguyễn Thành Bá Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên (thuộc ULAW), đây là kết quả của sự hợp tác giữa nhà trường và các cơ quan. Trước đây, sinh viên thường đi thực tập tại các đơn vị tư nhân vì dễ dàng được nhận. Tuy nhiên, với định hướng muốn cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả khu vực công, nhà trường đã tăng cường hợp tác với các cơ quan như tòa án, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự… để sinh viên có cơ hội tham gia vào công tác nghiệp vụ từ sớm.

%3b.jpg
Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tham gia kiểm đếm giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất của dự án đường Vành đai 2 (trên địa bàn TP Thủ Đức). Ảnh: THU HƯỜNG

Ông Nguyễn Thành Bá Đại cho biết, các đơn vị nhận sinh viên có nhiều phản hồi tích cực. Chẳng hạn, TAND TPHCM thời gian gần đây phải thụ lý giải quyết những vụ án có quy mô rất lớn như vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, vụ án ngành đăng kiểm… Phía TAND TPHCM phản hồi, với sự hỗ trợ của các bạn sinh viên trong công tác đánh bút lục, sắp xếp hồ sơ, soạn thảo văn bản gửi đương sự, TAND TPHCM có nhân sự tập trung, dồn sức vào giải quyết các vụ án phức tạp trên.

Sự hỗ trợ của sinh viên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án. Ngoài ra, tại nhiều tòa án, sinh viên còn được nghiên cứu hồ sơ, được đưa ra quan điểm về vụ án, giúp các bạn có những kinh nghiệm quý báu trong công việc sau này.

Là người theo sát nhóm sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, anh Nguyễn Tuấn Vương, Bí thư Chi đoàn Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, Đội trưởng Đội thanh niên xung kích hỗ trợ dự án đường Vành đai 2, thông tin, đội hình được thành lập trên cơ sở ký kết giữa Thành đoàn TP Thủ Đức và Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhà trường đã lựa chọn và cử sinh viên tham gia đội hình, sau đó Thành đoàn TP Thủ Đức bàn giao cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức. Từ đây, các sinh viên được phân bổ về hỗ trợ UBND các phường.

Anh Nguyễn Tuấn Vương nhận xét, trên địa bàn TP Thủ Đức có rất nhiều dự án, trong đó phải tập trung cao điểm cho dự án đường Vành đai 3 và tiếp theo là dự án đường Vành đai 2. Với việc triển khai đồng loạt như vậy, số lượng nhân sự của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, cán bộ UBND phường không thể đảm bảo hết công tác ban đầu của dự án.

Do đó, đội hình xung kích đã góp phần hỗ trợ rất hiệu quả trong kiểm kê, khảo sát, thu thập thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai của các hộ dân, giúp ban lập được khái toán ban đầu cho dự án. Để tạo điều kiện cho các sinh viên tham gia ở địa phương, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức đã ký hợp đồng 6 tháng với sinh viên, mức kinh phí hỗ trợ là 5 triệu đồng/sinh viên và được đóng BHXH.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nhận định, với rất nhiều dự án đang được triển khai trên địa bàn, nếu không có lực lượng sinh viên hỗ trợ cơ sở trong công tác kiểm kê ban đầu thì rất khó khăn, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức HOÀNG TÙNG: Đóng góp rất hiệu quả vào nhiệm vụ chung

Với hệ thống quản lý nhà nước hiện nay, chỗ nào cũng nói thiếu nhưng thực tế nhân lực ở ngoài xã hội rất nhiều, làm cách nào để gắn kết được với nhau mới là điều quan trọng. TP Thủ Đức có hơn 200.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, chúng tôi đang từng bước tiếp cận nguồn nhân sự này.

Để sử dụng hiệu quả lực lượng trên, đòi hỏi việc tổ chức công việc phải thật bài bản. Mỗi công việc đều có nhiều khâu, chúng ta phải xác định được các bạn tham gia vào khâu nào là hiệu quả nhất. Muốn vậy thì phải có bản mô tả công việc cụ thể, sinh viên được giao nhiệm vụ, được hướng dẫn, đào tạo, kiểm tra, giám sát công việc thì sẽ ra được sản phẩm cụ thể. Với đặc trưng của sinh viên là sức trẻ, có tính xung kích, có hứng thú trong công việc, tôi cho rằng khi được bố trí công việc phù hợp, chắc chắn các bạn sẽ đóng góp rất hiệu quả vào nhiệm vụ chung.

Bên cạnh đó, việc về hỗ trợ cơ sở cũng là dịp để sinh viên cọ xát với công việc chuyên môn, có cơ hội tìm hiểu về công việc, môi trường làm việc trong cơ quan nhà nước để có định hướng tốt hơn khi ra trường. Với những trường hợp muốn gắn bó lâu dài với địa phương, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các bạn tham gia thi tuyển hoặc ứng tuyển vào các đơn vị sự nghiệp của TP Thủ Đức.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM NGUYỄN VĂN HÒA: Giải quyết vấn đề nhân sự cho đơn vị

Năm 2024, Cục Thi hành án dân sự TPHCM đang tập trung thi hành án những vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Việc hợp tác cùng ULAW đã mở ra cơ hội giải quyết ngay về vấn đề nhân sự mà đơn vị đang cần.

Bước đầu là đối với các em sinh viên thực tập, và trong giai đoạn tới có thể nghiên cứu thêm thời lượng về kiến thức thi hành án dân sự cho sinh viên để sinh viên có thể làm việc ngay tại các cơ quan thi hành án; cũng như tạo cơ hội để có sự phối hợp giữa các giảng viên, chuyên gia cùng nghiên cứu các vấn đề thực tiễn pháp lý về thi hành án để hoàn thiện pháp luật.

Tin cùng chuyên mục