Đừng để mỗi năm chỉ có một “Ngày toàn dân PCCC”

Hàng năm, cứ đến ngày 4-10, chúng ta lại bắt gặp các pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động, nhắc nhở về công tác PCCC treo trước trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, ngã tư, dọc trục đường lớn… Các báo đài, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội… cũng đưa rất nhiều tin, ảnh, bài viết về PCCC. Tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp, chợ, chung cư, hộ gia đình… chứng kiến các hoạt động như: kiểm tra PCCC, thực tập phương án chữa cháy, tuyên truyền - huấn luyện PCCC, mít tinh, diễu hành, hội thao, hội thi... với chung một mục đích là tích cực, sôi nổi, thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC”. 

Các hoạt động này tuy cũng tạo nên một phong trào có sức hút và sức lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo an toàn PCCC; tuy nhiên, thiết nghĩ, đã đến lúc cả xã hội chúng ta phải xác định việc phòng ngừa cháy nổ và trang bị các kỹ năng chữa cháy, thoát nạn… là việc làm tự giác, lâu dài, thường xuyên, liên tục, mang tính chất rộng rãi, toàn dân, toàn diện; bất kỳ ngày nào trong năm cũng phải là “Ngày toàn dân PCCC”.

Và mỗi năm, đến ngày 4-10 chỉ là dịp để chúng ta kiểm tra, đánh giá lại kết quả, hiệu quả, chất lượng hoạt động của phong trào toàn dân PCCC trong năm; phát động thi đua giữa các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, hộ gia đình với nhau trong công tác đảm bảo an toàn PCCC; tạo động lực thúc đẩy phong trào ngày càng đi vào cuộc sống, vì bình yên cuộc sống của nhân dân.

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã nhắc nhở “phòng cháy hơn chữa cháy” hay “nước xa không cứu được lửa gần”, và quả thật như thế, khi có cháy, trong khoảng 5 phút đầu đám cháy phát sinh là “thời gian vàng” có ý nghĩa quyết định về khả năng phát triển của đám cháy cũng như mức độ thiệt hại do cháy gây ra, kể cả kết quả chữa cháy…

Trên thực tế, không ai phòng ngừa cháy nổ tốt hơn chính bản thân mình và một điều đương nhiên cần phải suy nghĩ nữa đó chính là mục đích của công tác PCCC.

Mỗi người chúng ta đừng nghĩ “làm PCCC cho người khác, cho địa phương, cho doanh nghiệp hay cho xã hội…”, như vậy sẽ dễ dẫn đến chủ quan và đối phó mà hãy nghĩ “làm PCCC vì sinh mạng của bản thân mình và những người thân yêu; làm PCCC vì chén cơm và tài sản của bản thân mình” thì từ đó sẽ tích cực và thiết thực hơn.

Chính vì thấy được tầm quan trọng này, Luật PCCC đã quy định “Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội PCCC cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu” và lực lượng Cảnh sát PCCC đã triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư - hậu cần tại chỗ).

Thực tế từ các vụ cháy vừa qua đã minh chứng điều đó khi cơ quan, doanh nghiệp, khu phố nào phòng cháy tốt khi không xảy ra cháy và ngược lại; cơ quan, doanh nghiệp, khu phố, hộ dân nào chữa cháy giỏi thì cháy dù có phát sinh cũng được dập tắt ngay từ ban đầu, hầu như không gây ra thiệt hại.

Là người trực tiếp cầm lăng cứu chữa rất nhiều vụ cháy, riêng bản thân tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh trắng tay sau khi cháy nổ xảy ra, thậm chí mất đi những người thân yêu ruột thịt trong ngọn lửa.

Những mất mát đó, ký ức đó còn in đậm trong tôi huống chi là trong tâm trí của chính nạn nhân trong các vụ cháy…

Chúng tôi luôn mong các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình và từng người dân hãy tích cực phòng cháy trước khi quá muộn, hãy vì bản thân mình mà tham gia phong trào toàn dân PCCC ở nơi cư trú và nơi làm việc bằng từng việc làm thiết thực, chủ động nhất.

Tin cùng chuyên mục