Dùng mạng xã hội giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp

Thời gian gần đây bùng phát việc không ít người dân sử dụng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, tranh chấp hợp đồng… Việc này không những không giải quyết được mâu thuẫn mà người tung tin còn dễ vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý.

Tung tất cả lên mạng xã hội

Với chiếc điện thoại thông minh, mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube… đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Mạng xã hội không chỉ là phương tiện thông tin, giao tiếp mà đã trở thành phương tiện hỗ trợ đắc lực trong kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít người đã sử dụng mạng xã hội làm công cụ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, tranh chấp hợp đồng thay vì gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng, khiếu kiện ra tòa án để được giải quyết theo quy định pháp luật. Nạn sử dụng mạng xã hội để tự giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đã gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Những ngày qua, dư luận xôn xao khi tài khoản “THANG DANG” trên Facebook đưa thông tin ông D.C.M., Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Thương Tín (Sacombank) bị cấm xuất cảnh. Sacombank đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng thông báo đây là thông tin bịa đặt và vu khống nhằm bôi xấu lãnh đạo Sacombank. Thông tin không đúng sự thật này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của cá nhân ông D.C.M. cũng như hoạt động của Sacombank.

Tương tự, tài khoản mang tên “Nguyễn Bích Ngọc” trên Facebook đã sử dụng hình ảnh của Công ty TNHH SXTM Lan Phương (đường Nguyễn Văn Đậu, phường 5, quận Phú Nhuận, TPHCM) kèm theo những lời nói không đúng sự thật, vu khống công ty lừa đảo.

Bà Nguyễn Thị Phước, Giám đốc Công ty TNHH SXTM Lan Phương, cho biết, tài khoản tên “Phương Lâm” trên Facebook còn phát hình ảnh một người bệnh đứng trước trụ sở công ty gào thét, trên tay đang truyền lọ thuốc lớn. Những người đi đường hiếu kỳ dừng lại xem, nhân viên công ty phải gọi điện thoại báo công an, nhờ giúp đỡ. Sau ít phút, người bệnh trên vứt lọ thuốc xuống lề đường để dễ bề khóc lóc, gào thét. Sự việc này không những ảnh hưởng đến uy tín, danh dự công ty mà còn gây ùn tắc giao thông, mất trật tự trong khu vực.

I4b.jpg
Tài khoản “Phương Lâm” trên Facebook sử dụng hình ảnh phản cảm để “khủng bố” công ty trên mạng

Vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết

Việc tài khoản “THANG DANG” trên Facebook đăng bài viết không đúng sự thật đã được Bộ Công an kịp thời ra thông báo, theo đó thông tin cấm xuất cảnh đối với ông D.C.M. là không đúng sự thật. Tuy sự thật đã rõ nhưng hậu quả để lại không nhỏ, giá cổ phiếu của Sacombank giảm mạnh. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Phước, Giám đốc Công ty TNHH SXTM Lan Phương, trình bày, trong số những người xuất hiện trong bài viết trên các tài khoản Facebook “Nguyễn Bích Ngọc”, “Phương Lâm” có bà T.T.T.H. là khách hàng của công ty. Trước đây, công ty ký hợp đồng sang nhượng đất với khách hàng T.T.T.H. nhưng hợp đồng gặp vướng mắc, đến nay chưa thực hiện được. Trong khi hai bên đang giải quyết việc này thì bà T.T.T.H. dẫn một số người đến trước trụ sở công ty gây rối, tổ chức quay phim, chụp hình phát tán lên mạng xã hội.

Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, trong thời gian qua đã có không ít trường hợp sử dụng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, tranh chấp…, dẫn đến vi phạm pháp luật. Vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ, sử dụng mạng xã hội để livestream, phát ngôn có nội dung bịa đặt, không đúng sự thật của bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) cùng ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật)... mới được xét xử phúc thẩm gần đây là ví dụ điển hình. Để tránh tình trạng vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý vì thiếu hiểu biết, người dân khi gặp mâu thuẫn trong đời sống, tranh chấp dân sự, hợp đồng… nên gửi đơn khiếu nại, khiếu kiện đến cơ quan hành chính, tòa án để được thụ lý giải quyết theo luật định.

Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với người đang thi hành công vụ; đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội…

Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Tin cùng chuyên mục