Dùng ứng dụng giả mạo logo Bộ Công an để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân trong điện thoại

Khi nạn nhân hoang mang, lo sợ và bắt đầu nghe theo lời của đối tượng lừa đảo, chúng tiếp tục hướng dẫn yêu cầu cài đặt ứng dụng “Phần mềm bảo mật” có logo Bộ Công an, mục đích là để truy cập vào danh bạ, tin nhắn trên điện thoại….

Công an tỉnh Quảng Ninh vừa có cảnh báo về hình thức sử dụng ứng dụng có logo giả mạo Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh nhận được đơn tố giác về tội phạm của chị L.T.N. (ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) về việc bị các đối tượng lừa đảo giả danh cơ quan công an yêu cầu cài ứng dụng có logo giả mạo Bộ Công an để truy cập danh bạ, đánh cắp tin nhắn chứa mã OTP nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Ứng dụng giả mạo logo của Bộ Công an nhằm mục đích chiếm đoạt các thông tin cá nhân trong điện thoại. Ảnh: Công an cung cấp

Ứng dụng giả mạo logo của Bộ Công an nhằm mục đích chiếm đoạt các thông tin cá nhân trong điện thoại. Ảnh: Công an cung cấp

Khi nhận cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh, chị N. đã bị đe dọa, cáo buộc là tham gia và là đồng phạm với nhóm rửa tiền, buôn bán ma túy. Đối tượng này yêu cầu chị N. khai báo lý lịch của bản thân, quá trình làm việc, di chuyển và số tiền có trong tài khoản ngân hàng.

Khi chị N. hoang mang, lo sợ và bắt đầu nghe theo lời của đối tượng lừa đảo, chúng tiếp tục hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng “Phần mềm bảo mật” có logo Bộ Công an, mục đích là để truy cập vào danh bạ, tin nhắn trên điện thoại.

Sau đó, đối tượng lừa đảo tiếp tục đe dọa, yêu cầu chị phải thay đổi mật khẩu Internet banking, rồi đánh cắp tin nhắn chứa mã OTP của ngân hàng để chiếm quyền điều khiển tài khoản internet banking của nạn nhân.

Khi đã thay đổi mật khẩu thành công, đối tượng lừa đảo đã truy cập vào tài khoản ngân hàng của chị N., tất toán các khoản gửi tiết kiệm online và chuyển toàn bộ sang tài khoản của chúng, với số tiền lên tới trên 400 triệu đồng.

Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, thủ đoạn chung của các đối tượng là sử dụng sim điện thoại “rác”, không chính chủ, phân vai giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện đe dọa các bị hại "liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng" như: rửa tiền, buôn bán ma túy... để yêu cầu bị hại đăng ký mới hoặc thay đổi mật khẩu internet banking theo hướng dẫn của chúng, cài ứng dụng giả mạo logo Bộ Công an để truy cập danh bạ, đánh cắp tin nhắn chứa mã OTP của ngân hàng nhằm chiếm quyền kiểm soát tài khoản Internet banking và chuyển tiền sang tài khoản của các đối tượng lừa đảo mà nạn nhân không hề hay biết.

Để không trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, hết sức bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ khi nhận được các cuộc gọi đe dọa, giả danh công an, viện kiểm sát và tuyệt đối không truy cập, thay đổi mật khẩu tài khoản internet banking, cài các phần mềm lạ hoặc cung cấp tin nhắn chứa mã OTP của ngân hàng theo hướng dẫn của các đối tượng này.

Tin cùng chuyên mục