Fan cuồng và những tiếng nói ẩn danh

Sau những vụ “bóc phốt” đời tư trong giới giải trígây xôn xao gần đây là những phản ứng quá đà, cực đoan đến từ một bộ phận người hâm mộ. Những tiếng nói ẩn danh trên không gian mạng trở thành thứ vũ khí được không ít fan “cuồng” dùng tấn công người lỡ… chạm đến thần tượng của họ.
Các buổi livestreams trên mạng xã hội với chủ đề "bóc phốt" đời tư người nổi tiếng luôn thu hút đông đảo người xem
Các buổi livestreams trên mạng xã hội với chủ đề "bóc phốt" đời tư người nổi tiếng luôn thu hút đông đảo người xem

Thiện - ác trên không gian mạng

“Xin mọi người hãy nói rằng thông tin về scandal yêu đương lăng nhăng, bỏ bê con cái của J. mấy bữa nay không phải là sự thật đi! Trời ơi, đứa em mình nó đọc tin trên mạng xong khóc lóc sưng cả mắt, không chịu ăn uống gì cả 2-3 bữa nay rồi, trong nhà ai khuyên cũng không nổi”. Một tài khoản trên mạng xã hội Facebook đăng tải đoạn clip em gái đang nằm khóc và cho biết “con bé sốc nặng, trầm cảm thật sự”. Hàng loạt tài khoản TikTok của bạn trẻ cũng đăng tải clip khóc sưng mắt, tan vỡ con tim nhưng khẳng định sẽ tin tưởng thần tượng đến cùng… khi lùm xùm nam ca sĩ J. có con riêng, bị tố có lối sống tệ bạc ồn ào thời gian vừa qua. 

Một nhóm người hâm mộ nghệ sĩ này còn có hành động đe dọa trực tiếp đến cô gái tên T.A. - người được cho là nạn nhân của vụ lùm xùm, bởi dám lên tiếng “bóc phốt” thần tượng của họ. “Chúng tôi gửi lời cảnh báo tới T.A., trong vòng 24 tiếng nếu vẫn không chịu hối cải, xóa bài viết và xin lỗi J. thì chúng tôi sẽ dùng biện pháp mạnh hơn. Hiện tại, chúng tôi đang kêu gọi quyên góp 500 triệu đồng để mời thầy về yểm đứa nhỏ. Nếu muốn đứa nhỏ sống bình yên tới già, mau mau biết điều xóa bài ngay...”. Hoảng loạn trước lời đe dọa, T.A. cầu xin tha cho con gái 4 tháng tuổi của cô và tự nhận hết lỗi lầm về mình. 

Chỉ một lần lỡ lời bình luận đi ngược với số đông trong bài đăng về việc làm từ thiện của một nghệ sĩ nổi tiếng, chị Ngô K.C. (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nhận về trái đắng. Chị C. kể: “Có bạn còn nhắn đã tìm ra địa chỉ nhà mình, sau dịch tới xử đẹp. Thiệt đụng vào fan cuồng mới thấm. Chỉ cần trái ý họ, đụng chạm đến nghệ sĩ họ thần tượng là tới công chuyện với họ luôn”. 

Tỉnh táo khi bày tỏ hâm mộ

Việc hâm mộ, bảo vệ thần tượng khá bình thường, vốn chẳng có gì xấu nếu không bị một bộ phận người trẻ tôn sùng mù quáng đến mức biến tướng thành những hành động bất chấp đúng sai, tiêu cực.  

“Có thể do trong cách ứng xử thái quá, cuồng quá mà nhiều người quên mất đi những nét văn hóa ứng xử, để rồi làm tổn thương người khác. Tôi không đồng tình việc này. Bản thân nghệ sĩ nên có sự cảnh báo, chia sẻ với những người yêu mến mình. Yêu mến thần tượng là nhận định sâu sắc chứ không đơn thuần là vẻ bề ngoài, chạy theo những giá trị ảo về vật chất", ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ. 

Theo tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, không cần là nghệ sĩ, những người có điểm nổi bật hơn người khác, có thể về tài năng, cá tính, phong cách hay điều gì đó chạm đến được điểm mà khán giả cảm thấy yêu thích đều có thể khiến một số đông khán giả cuồng… Không loại trừ khả năng đứng sau họ là một ê kíp, đội ngũ với kịch bản xây dựng, khắc họa một hình tượng để truyền đạt đến với công chúng. 

Tiến sĩ Hòa An cho rằng, các bạn trẻ cần tỉnh táo trong việc đánh giá, mức độ hâm mộ của mình bởi tài năng không đồng nghĩa với việc người đó có tốt hay không. Tài năng và đạo đức là 2 thứ khác biệt, không thể đánh đồng. Anh nhấn mạnh về những tiếng nói ẩn danh trên mạng: “Không gian mạng dễ làm các fan cuồng trở thành anh hùng bàn phím, dễ là tiếng nói mạnh mẽ mặc dù người đó có thể khá rụt rè ngoài đời thực. Chính tính ẩn danh trên mạng xã hội, các bạn đối diện trước màn hình máy tính, điện thoại chứ không phải con người thật, một đám đông thật nên các bạn dễ bày tỏ quan điểm mà không cần đắn đo suy nghĩ, bày tỏ phẫn nộ, nói những lời chợ búa, ác ý… mà không e dè, bị chi phối bởi các yếu tố xã hội”.

Mức độ nghiêm trọng của thói quen “bênh vực” thần tượng ở giới trẻ đang rất báo động. Tổn lớn nhất sau tất cả ồn ào của các thần tượng chính là cuộc khủng hoảng niềm tin của người hâm mộ và nền tảng văn hóa ứng xử trên mạng hay chính đời thực lung lay, đổ sụp.

Bộ VH-TT-DL đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Quy tắc ứng xử của người. Trong đó, đối với công chúng, dự thảo quy tắc chỉ rõ: cần tôn trọng, lắng nghe, chân thành, chuẩn mực; trung thực, không lợi dụng hình ảnh để trục lợi cá nhân, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của người hoạt động nghệ thuật.

Trong công tác xã hội, nghệ sĩ cần công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân; phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng; tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật về quảng cáo…

Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân... 

MAI AN

Tin cùng chuyên mục