Ngày 22-6, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết (SXH) trước tình hình số ca mắc mới liên tục tăng cao.
Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, theo dự báo, chu kỳ dịch SXH bùng phát mạnh rơi vào năm nay nên nguy cơ dịch sẽ diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng rất lớn.
Tuy nhiên trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành y tế các tỉnh, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch SXH. Bộ Y tế luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống dịch khi có yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch để đảm bảo công tác phòng chống SXH, tập trung vào các hoạt động, như: truyền thông, giám sát xử lý ổ dịch; chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng, phun hóa chất diệt muỗi...
Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 62.955 trường hợp mắc SXH, 29 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 47.821 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 97%, số tử vong tăng 24 trường hợp.
Đáng chú ý, tại khu vực miền Nam, số mắc trong tuần này chiếm 81% số mắc cả nước, riêng TPHCM trong tuần ghi nhận số mắc chiếm 23% số mắc cả nước, 8 tỉnh khu vực miền Nam (An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, TPHCM) chiếm 69% số mắc trong tuần của cả nước.
Khu vực miền Trung đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên tại Khánh Hòa. Số tử vong tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam với 28/29 ca tử vong. “Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch, đặc biệt tại khu vực miền Nam. Chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ tình hình SXH trên cả nước để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt, người dân đôi khi còn nhầm lẫn giữa các triệu chứng của SXH, Covid-19 và các bệnh lý khác, dẫn tới tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi.
Đại diện WHO cho biết, hiện chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu bệnh SHX, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Đồng thời nhấn mạnh chìa khóa để phòng chống SXH là sự tham gia của cộng đồng.